ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2022/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 4 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 16 tháng 9 năm 2013;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Khí tượng Thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

Căn cứ Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 344/TTr-SNN ngày 17 tháng 3 năm 2022 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 352/BC-STP ngày 25 tháng 01 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 4 năm 2022 và thay thế Quyết định số 59/2011/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT;
- UB Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP;
- Tổng cục Phòng chống thiên tai;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố;
- Sở Tư pháp;
- Thành viên BCH PCTT và TKCN TP;
- Chi cục PCTT miền Nam;
- Các Đoàn thể TP;
- VPUB: các PCVP;
- Các Phòng CV; TTCB;
- Lưu: VT, (KT/Trọng) D.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Hoan

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định về các hoạt động phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, mưa đá, sương mù, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sinh sống, hoạt động hoặc tham gia phòng, chống thiên tai tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội; trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm để đảm bảo phát huy và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước. Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; kế thừa, phát huy những kinh nghiệm truyền thống và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

2. Phòng, chống thiên tai gồm 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó, lấy chủ động phòng ngừa là chính.

3. Phòng, chống thiên tai phải được lồng ghép trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương, phải tính đầy đủ các tác động của thiên tai, hạn chế làm gia tăng rủi ro thiên tai.

4. Các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả); đề cao vai trò chủ động tại cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tổ chức phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả trong thời gian nhanh nhất khi thiên tai xảy ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

5. Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.

6. Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

7. Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.

Điều 3. Tổ chức, nhiệm vụ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn

1. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn được thành lập ở các cấp, các ngành, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương, đơn vị mình.

2. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là Ban Chỉ huy) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập, ban hành quy chế tổ chức, hoạt động và được kiện toàn khi có thay đổi thành viên; giúp Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ huy, điều hành hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ban Chỉ huy có con dấu riêng, được cấp kinh phí từ ngân sách, mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước Thành phố để hoạt động.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố có nhiệm vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Phòng, chống thiên tai; khoản 4 Điều 27 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ.

3. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy, có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ huy điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi địa phương. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện có con dấu, tài khoản và được cấp kinh phí để hoạt động.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện có nhiệm vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Phòng, chống thiên tai; khoản 4 Điều 28 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ.

4. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi địa phương.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Ban được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã, sử dụng một số cán bộ chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp xã để làm bộ phận thường trực và được cấp kinh phí để hoạt động.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã có nhiệm vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của Luật Phòng, chống thiên tai; khoản 4 Điều 29 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ.

5. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các ngành, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước: căn cứ theo điều kiện cụ thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để triển khai các nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật.

6. Khi có sự thay đổi nhân sự, thành viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận - huyện, phường - xã, thị trấn, Thủ trưởng các ngành, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước phải kịp thời ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của địa phương, đơn vị mình.

Điều 4. Đảm bảo nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp

1. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đảm bảo đủ nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho hoạt động của cơ quan và lực lượng làm phòng, chống thiên tai cùng cấp, bao gồm: nguồn lực tài chính, nhân lực, trụ sở làm việc, cơ sở vật chất; mua sắm vật tư, phương tiện, trang thiết bị; xây dựng các bộ công cụ hỗ trợ tham mưu ra quyết định chỉ đạo, điều hành và các điều kiện cần thiết khác.

2. Các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan, đơn vị và lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai trong phạm vi quản lý trình cơ quan chủ quản phê duyệt.

Chương II

PHÒNG NGỪA THIÊN TAI

Điều 5. Các hoạt động phòng ngừa thiên tai của các cấp, các ngành

1. Công tác phòng ngừa thiên tai phải được tiến hành chủ động, thường xuyên, đồng bộ và xuyên suốt ở các cấp, các ngành để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra thiên tai.

2. Công tác phòng ngừa thiên tai phải xây dựng các hoạt động theo dõi, quan sát, quan trắc, đánh giá rủi ro thiên tai; xây dựng cơ sở dữ liệu về thiên tai; lập bản đồ để cảnh báo thiên tai.

3. Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện phải xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

4. Các cấp, các ngành luôn sẵn sàng chuẩn bị nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai, tổ chức các lực lượng ứng cứu chuyên trách của các ngành chức năng cấp Thành phố và cấp huyện theo quy định tại Điều 6 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020). Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thành lập, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.

5. Hàng năm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho cán bộ, lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai; đồng thời, đầu tư, mua sắm cung cấp vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

6. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện, phường - xã, thị trấn có khu vực trọng điểm, xung yếu thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai phải chủ động xây dựng phương án dự phòng vật tư, phương tiện, trang thiết bị, lực lượng tại chỗ để kịp thời tổ chức ứng cứu ngay khi xảy ra thiên tai trên địa bàn.

7. Các cấp, các ngành tổ chức trồng và bảo vệ cây xanh, cây chắn sóng, rừng phòng hộ, nhất là các khu vực ven sông, ven biển để tạo cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Điều 6. Công trình xây dựng và các biện pháp đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai

1. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình kết hợp phòng, chống thiên tai phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 19, Điều 20 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020).

2. Các cấp, các ngành triển khai kế hoạch phân kỳ đầu tư, nâng cấp đảm bảo khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai, nhất là hệ thống cống kiểm soát triều, kè chống sạt lở, đê bao, bờ bao, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền để đảm bảo an toàn trước thiên tai theo tiêu chuẩn thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

3. Các sở, ban, ngành, đơn vị Thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện tổ chức quản lý, khai thác, vận hành, sử dụng các công trình phòng, chống thiên tai theo phân cấp. Trong phạm vi quản lý của mình, các cấp, các ngành phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng, mức độ an toàn của công trình nhằm kịp thời phát hiện sự cố, hư hỏng, khiếm khuyết để có biện pháp sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đảm bảo an toàn. Các đơn vị, địa phương phải chủ động kế hoạch đầu tư kiên cố hóa, trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, đơn vị mình thì báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố đầu tư xây dựng mới công trình phòng, chống thiên tai, lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 05 năm của Thành phố.

4. Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu di tích lịch sử, công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác phải thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quy chuẩn kỹ thuật, quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định tại khoản 11 (Điều 18a) và khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020.

5. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu di tích lịch sử, công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác theo quy định tại Thông tư 13/2021/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc xây dựng mới nhà ở, công trình tại các khu vực ven sông, ven biển, vùng thường xuyên bị ngập lụt, vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp bão, áp thấp nhiệt đới phải đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch và đảm bảo tiêu chuẩn về phòng, chống thiên tai, cốt nền, hành lang, chỉ giới an toàn bờ sông, kênh, rạch. Đối với các công trình, nhà cao tầng cần tính toán yếu tố phòng, chống động đất.

6. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình có trách nhiệm thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai do cơ quan có thẩm quyền ban hành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định.

7. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có biện pháp ngăn ngừa, xử lý việc xây dựng lấn chiếm vi phạm mốc hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch theo đúng quy định để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của Nhân dân và không làm ảnh hưởng đến dòng chảy tiêu thoát nước.

8. Đối với những công trình, nhà ở hiện có nằm trong chỉ giới, hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch, vùng có nguy cơ sạt lở cao, không an toàn khi xảy ra thiên tai, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện lập quy hoạch giải tỏa và xây dựng kế hoạch hàng năm để chủ động di dời dân khỏi khu vực xung yếu đến nơi định cư an toàn. Trong trường hợp cụ thể, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện thực hiện chính sách bồi thường hoặc hỗ trợ di dời theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai

Nội dung phòng, chống thiên tai phải được lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng quận - huyện, nhất là huyện Cần Giờ và các khu vực trũng thấp có nguy cơ bị ảnh hưởng của xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Điều 8. Quy hoạch, quản lý hoạt động tàu thuyền

Quy hoạch bố trí các khu vực neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão, các bến tàu khách, đò ngang, đò dọc đảm bảo an toàn trong điều kiện thiên tai. Các phương tiện tàu, thuyền khi hoạt động trên sông, trên biển phải được trang bị hệ thống thông tin liên lạc, tín hiệu, thiết bị bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền theo đúng quy định.

Điều 9. Hoạt động thông tin, truyền thông, liên lạc

1. Các cấp, các ngành tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông và giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai để hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường do thiên tai gây ra.

2. Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc để đảm bảo thông suốt, đặc biệt trong thời gian xảy ra thiên tai ở tất cả các khu vực trên địa bàn Thành phố.

Điều 10. Ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong phòng ngừa thiên tai

1. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật và sử dụng vật liệu mới trong phòng, chống thiên tai; ưu tiên bố trí nguồn lực để nghiên cứu, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai.

2. Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ mới về phòng, chống thiên tai, nhất là dự báo, cảnh báo, quản lý rủi ro thiên tai; đồng thời, tiếp nhận hỗ trợ của tổ chức quốc tế trong phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chương III

ỨNG PHÓ THIÊN TAI

Điều 11. Phân công, phân cấp trách nhiệm ứng phó rủi ro thiên tai

Các cấp, các ngành tổ chức ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai được phân công, phân cấp tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ.

Điều 12. Tình huống khẩn cấp về thiên tai

1. Tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống khẩn cấp được quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ. Khi có xảy ra tình huống khẩn cấp về thiên tai các cấp, các ngành cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả. Tình huống khẩn cấp về thiên tai được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.

2. Nội dung quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra trên địa bàn Thành phố theo đề xuất của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.

Căn cứ diễn biến thiên tai hoặc kết quả khắc phục sự cố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp thiên tai.

4. Trường hợp tình huống khẩn cấp về thiên tai vượt quá khả năng ứng phó của Thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Điều 13. Chế độ truyền tin, cảnh báo thiên tai

1. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố chịu trách nhiệm triển khai tổ chức tuyên truyền các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và văn bản chỉ đạo phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của cơ quan chức năng đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội và Nhân dân trên địa bàn Thành phố; đồng thời, các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai thực hiện ngay các phương án ứng phó thiên tai.

- Tải về tài liệu PDF

- In tài liệu
Đang cập nhật

Viết đánh giá

     Nội dung không đầy đủ   Thông tin không chính xác   Khác 
Lưu ý: không hỗ trợ HTML!