ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 274/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 4 tháng 5 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT VÀ CHỐNG RÁC THẢI NHỰA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2025"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi tr­ường năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 2395/QĐ-BTNMT ngày 28/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa;

Căn cứ Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 22/10/2020 của Ủy ban nhân dân dân tỉnh về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 06/CTr-UBND ngày 28/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ và Chương trình hành động số 08-Ctr/TU ngày 26/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 532/TTr-STNMT ngày 17 tháng 12 năm 2021; Văn bản số 340/STNMT-BVMT ngày 11 tháng 3 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025” (sau đây viết tắt là Đề án) với những nội dung sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Quan điểm

- Phù hợp với chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 và phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh;

- Đảm bảo sự quản lý thống nhất từ tỉnh, huyện, xã trong quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt (sau đây cụm từ "chất thải rắn sinh hoạt" được viết tắt là "CTRSH") trên địa bàn tỉnh;

- Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn;

- Việc tăng cường nguồn lực trong công tác quản lý CTRSH phải đi kèm với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Tăng cường năng lực của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức, cá nhân tham gia phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế rác thải) trong việc xây dựng và thực thi cơ chế chính sách về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa; tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị; huy động nguồn vốn, xây dựng và triển khai hạ tầng thu gom, xử lý như: các điểm tập kết, trung chuyển, các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt (quan tâm tới phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa).

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối với chất thải rắn sinh hoạt

- 96% tổng lượng CTRSH tại các đô thị (trung tâm các huyện, thành phố) được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường; phấn đấu giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý trực tiếp bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30%; tỷ lệ chôn lấp sau xử lý xuống dưới 20%;

- 80% lượng CTRSH phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường;

- Trên 70% các bãi chôn lấp CTRSH trên địa bàn tỉnh được đầu tư quy hoạch, xây dựng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khu xử lý chất thải;

- Phấn đấu 100% các điểm chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch phải dừng hoạt động.

b) Đối với chất thải nhựa

- Hằng năm, giảm tối thiểu 10% rác thải và chất thải nhựa phát thải trên địa bàn tỉnh;

- 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại công sở và trong các hội nghị, cuộc họp và hoạt động của cơ quan;

- 100% các trung tâm thương mại, siêu thị sử dụng túi thân thiện với môi trường;

- 85% chất thải nhựa phát sinh được thu gom tái chế, tái sử dụng và xử lý;

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại do rác thải và chất thải nhựa trong sinh hoạt thường ngày của con người. Khuyến khích giảm thiểu phát thải CTRSH, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử.

- Thực hiện tuyên truyền thông qua các hình thức phối hợp của các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh Truyền hình cấp huyện, thông qua mạng xã hội, các cuộc thi, các nhóm tình nguyện thông tin tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác, hướng dẫn xử lý rác thải hữu cơ thành phần comspots tại các hộ gia đình khu vực chưa được thu gom xử lý tập trung; tác hại của chất thải nhựa, biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa và túi ni lông trong hoạt động sinh hoạt: tờ rơi, tờ gấp, ấn phẩm, sách hướng dẫn; tổ chức mô hình tuyên truyền đến các tổ chức chính trị xã hội; ban quản lý chợ, trung tâm thương mại.

- Thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở cộng đồng dân cư, cơ quan nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.

- Giới thiệu các mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả, sáng tạo về phân loại, thu gom, tái chế và giảm thiểu chất thải, mô hình nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chuỗi sản xuất vận hành theo chu trình khép kín hầu như không phát sinh rác thải, chất thải ra môi trường.

- Tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; các tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội như: Liên Đoàn lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh,... triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình nhằm giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

2. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về CTRSH

- Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về quản lý CTRSH, chất thải nhựa thuộc thẩm quyền; quy định về giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRSH.

- Rà soát, đánh giá thực trạng và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong công tác quản lý CTRSH; tăng cường phát triển nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

- Ban hành quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo phân cấp của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Xây dựng và ban hành hướng dẫn tự phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình thuộc khu vực chưa thực hiện thu gom CTRSH để xử lý tập trung.

- Rà soát, điều chỉnh, xây dựng, nâng cấp mạng lưới thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; duy trì nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ tự quản bảo vệ môi trường, tăng cường vai trò giám sát môi trường của cộng đồng dân cư.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, vai trò tham mưu, phối hợp thực hiện của các ngành chức năng và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh trong thực hiện Đề án. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm quán triệt nội dung của Đề án, đưa các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án vào chương trình, kế hoạch của các cấp, các ngành, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý chất thải, bao gồm cả nội dung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý chất thải của cấp huyện, cấp xã; đồng thời nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.

3. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Đảm bảo kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo công nghệ phù hợp tại khu chôn lấp, xử lý CTRSH tập trung quy mô cụm xã đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng; đầu tư trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động tập kết, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý rác thải nhựa.

- Rà soát mạng lưới thu gom, tuyến vận chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh và tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu xử lý rác cho các cụm xã, đảm bảo CTRSH được thu gom xử lý đúng quy định; rà soát, lập danh sách các dự án thu gom, xử lý chất thải cấp tỉnh, cấp huyện và liên xã; các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2025 để bố trí nguồn kinh phí đầu tư.

- Đầu tư hạ tầng đáp ứng cho việc tập kết, vận chuyển CTRSH và phân loại chất thải nhựa tại nguồn đảm bảo hiệu quả cho công tác tái sử dụng, tái chế và xử lý; huy động nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

- Năm 2022, hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, xây dựng hạ tầng để mời gọi đầu tư dự án xử lý rác đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và phù hợp với điều kiện của tỉnh.

- Đầu tư hạ tầng đồng bộ để triển khai phân loại rác tại nguồn đảm bảo phù hợp với công nghệ xử lý tại khu xử lý rác tập trung (thực hiện làm điểm tại 03 phường: Tân Quang, Phan Thiết, Minh Xuân)

4. Giảm thiểu phát sinh CTRSH, phân loại rác thải nhựa

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chỉ đạo thực hiện giảm phát thải rác thải, giảm sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đặc biệt tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị, cụ thể:

+ Không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330ml - 500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động ngoài trời chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (> 20 lít) hoặc sử dụng các bình thủy tinh, cốc đựng nước bằng giấy...và các vật liệu khác thân thiện với môi trường.

+ Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc.

- Phát động phong trào cán bộ, công chức, viên chức vận động người thân cùng tham gia bảo vệ môi trường với khẩu hiệu “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”.

- Các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, chuỗi nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh cam kết chung tay cùng toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu rác thải bằng các hành động thiết thực như: khuyến khích thành lập hội, nhóm nói không với túi ni lông, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế rác thải, tái sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các hiệp hội vận động các cửa hàng, siêu thị, chuỗi nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn... hạn chế, tiến tới không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tuyên truyền, vận động khuyến khích người tiêu dùng, sử dụng túi đựng có thể sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và nói không với túi ni lông.

- Vận động thực hiện mô hình khuyến khích các hình thức giảm thiểu phát thải CTRSH và sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động của các doanh nghiệp: trong khu công nghiệp; khu du lịch, danh lam thắng cảnh, nhà hàng, khách sạn,...; trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp; hoạt động của bến xe, đơn vị kinh doanh xe khách,...

- Khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế từ chất thải trong đầu tư xây dựng các công trình công cộng.

- Xây dựng và triển khai mô hình phân loại, tách riêng chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy ra khỏi CTRSH tại các đô thị (các thị trấn, các phường), trung tâm các xã, các cơ quan, đơn vị, trung tâm thương mại, dịch vụ,... trường học từ năm 2021 và thực hiện rộng khắp trên địa bàn tỉnh từ năm 2025.

5. Đầu tư hạ tầng, cơ sở thu gom, xử lý CTRSH cho khu vực nông thôn

- Xây dựng nhà máy xử lý rác quy mô vùng trong tỉnh; rà soát quy hoạch mạng lưới thu gom, tuyến vận chuyển, cơ sở xử lý phù hợp với từng giai đoạn đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Kiện toàn tổ chức, duy trì mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt (mô hình tổ tự quản) hiện có tại các huyện, xã, thị trấn.

- Quy hoạch chi tiết xây dựng 15 khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung; xây dựng 203 điểm tập kết tạm CTRSH (điểm trung chuyển), có diện tích từ 100m2 trở lên; huy động trên 43 nghìn hộ dân khu vực nông thôn xây dựng bể tự xử lý rác thải tại hộ gia đình.

- Rà soát, hỗ trợ đầu tư bổ sung phương tiện, thiết bị phù hợp với hoạt động thu gom, vận chuyển của địa phương như: Thùng chứa rác, xe gom rác tại các vùng nông thôn và đặc biệt quan tâm tới điều kiện cần thiết (bể xử lý; tài liệu hướng dẫn tự xử lý chất thải) để người dân xử lý rác thải tại các hộ gia đình.

- Quy hoạch, thiết lập các điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các xã để thực hiện thu nạp trước khi đưa về khu xử lý chất thải rắn tập trung để xử lý.

- Xóa bỏ các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt tự phát tại các khu vực công cộng (ven đường giao thông, ao, hồ, kênh, mương, xử lý rác thải trên lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang khu vực giáp tỉnh Hà Giang,...), chấm dứt tình trạng vứt rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định.

6. Về khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật về công nghệ xử lý rác thải; lựa chọn, tổ chức triển khai mô hình xử lý CTRSH phù hợp, hiệu quả và nhân rộng các mô hình hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tập trung nghiên cứu công nghệ xử lý CTRSH đối với khu dân cư không tập trung, vùng sâu, vùng xa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương góp phần bảo vệ môi trường.

- Đa dạng hóa nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH, công nghệ tái chế, thu hồi các sản phẩm từ rác thải và chất thải nhựa.

- Nghiên cứu và ứng dụng các chỉ tiêu, tiêu chuẩn trong việc lựa chọn công nghệ, thiết kế, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong quản lý, xử lý chất thải; công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

7. Nguồn lực tài chính

- Ngân sách địa phương, nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương; vốn vay từ các tổ chức tín dụng, Quỹ bảo vệ môi trường; huy động nguồn lực trong xã hội tham gia và các nguồn vốn hợp pháp khác, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của Đề án.

- Ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường hỗ trợ cho các hoạt động phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong kế hoạch ngân sách hàng năm.

8. Hợp tác trong công tác xử lý CTRSH và chống rác thải nhựa

- Tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quản lý, đầu tư nhà máy xử lý chất thải với các tỉnh đã triển khai có hiệu quả dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt; kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

- Tiếp nhận hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải và tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

III. LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN.

1. Năm 2022

- Duy trì và nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại tất cả khu dân cư ở đô thị và khu dân cư tập trung ở nông thôn đang thực hiện.

- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến phát tờ rơi có nội dung hướng dẫn công tác phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt và chống rác thải nhựa trong cộng đồng dân cư; tổ chức tập huấn, hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn (phân loại tách chất thải nhựa không để lẫn với rác thải) cho cán bộ môi trường cấp huyện, địa chính xã, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn và người dân. Hướng dẫn tự xử lý rác đối với các hộ dân sinh sống tại các vùng dân cư phân tán, không tập trung.

- Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch các điểm tập trung, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt để thực hiện thu nạp trước khi đưa về các khu xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường (67 điểm).

- Xây dựng thí điểm 01 điểm trung chuyển (ép rác) tại phường Tân Quang của thành phố Tuyên Quang.

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp 03 khu xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh (hoặc lò đốt rác thải) tại các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương.

- Rà soát, xóa bỏ các điểm tập kết rác thải sinh hoạt tự phát tại các khu vực công cộng không đảm bảo vệ sinh môi trường (ven đường giao thông, ao, hồ, kênh, mương,...), chấm dứt tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi trên địa bàn.

- Sắp xếp đưa hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt và chống rác thải nhựa vào chương trình giảng dạy của các trường học với nội dung và hình thức phù hợp.

- Triển khai mô hình thí điểm thực hiện phân loại, thu gom chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy tại tại các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch,...trên địa bàn tỉnh.

- Giám sát hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt và phân loại chất thải nhựa tại các khu xử lý, đánh giá hiệu quả công tác phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt.

- Lập quy hoạch khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường tại các huyện và có tuổi thọ trên 20 năm, (08 khu).

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm tra đánh giá hiệu quả hoạt động tự xử lý thải tại hộ gia đình khu vực nông thôn chưa thực hiện thu gom, vận chuyển về khu xử lý tập trung.

- Phê duyệt các bước trình tự thủ tục đầu tư ký kết hợp đồng với nhà đầu tư tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thi công xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến tại khu xử lý rác thải xã Nhữ Khê.

2. Năm 2023

- Tiếp tục duy trì, khuyến khích đầu tư mở rộng địa bàn hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải tại tất cả các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và vệ sinh môi trường (50 điểm).

- Xây dựng thí điểm 02 điểm trung chuyển (ép rác) tại phường Phan Thiết và phường Minh Xuân của thành phố Tuyên Quang.

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp 02 khu xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh (hoặc lò đốt rác thải) tại các huyện Na Hang, Lâm Bình.

- Lập quy hoạch khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường tại các huyện và có tuổi thọ trên 20 năm, (02 khu).

- Tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện các biện pháp giảm thiểu tại nguồn, tăng cường phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải góp phần bảo vệ môi trường.

- Vận hành thử nghiệm, đánh giá nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ tiên tiến trước khi nghiệm thu đưa vào hoạt động.

3. Năm 2024

- Tiếp tục duy trì, khuyến khích đầu tư mở rộng địa bàn hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải tại các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.

- Xã hội hóa việc đầu tư phương tiện, thiết bị (xe thu gom, xe vận chuyển) phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

- Lập quy hoạch khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường tại các huyện và có tuổi thọ trên 20 năm, (02 khu).

- Tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và vệ sinh môi trường (46 điểm).

- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và phân loại rác nhựa tại nguồn, chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.

4. Năm 2025

- Tiếp tục duy trì, khuyến khích đầu tư mở rộng địa bàn hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải tại tất cả các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.

- Xã hội hóa việc đầu tư phương tiện, thiết bị (xe thu gom, xe vận chuyển) phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và vệ sinh môi trường (40 điểm).

- Lập quy hoạch khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường tại các huyện và có tuổi thọ trên 20 năm (03 khu).

- Đánh giá các mô hình thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn tỉnh, tìm kiếm mô hình hoạt động hiệu quả để phổ biến, nhân rộng áp dụng; đánh giá hoạt động tự xử lý rác thải tại khu vực nông thôn dân cư sống phân tán và hiệu quả của các điểm tập kết trung chuyển rác thải khu vực nông thôn về các khu xử lý tập trung.

- Tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 608.048,39 triệu đồng, trong đó:

(theo Phụ biểu số 01)

4.1. Kinh phí từ ngân sách nhà nước và Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh: 273.250,87 triệu đồng.

- Kinh phí thực hiện dự án, nhiệm vụ ưu tiên: 28.890,0 triệu đồng.

- Tải về tài liệu PDF

- In tài liệu
Đang cập nhật

Viết đánh giá

     Nội dung không đầy đủ   Thông tin không chính xác   Khác 
Lưu ý: không hỗ trợ HTML!