Thực hiện chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân”; Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng; Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 46/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 07/4/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố; Kết luận số 35-KL/TU ngày 06/12/2021 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVIII về kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách và đầu tư công năm 2021-2022; chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy tại Hội nghị về triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 ngày 14/12/2021; kết luận chỉ đạo tại Hội nghị Thường trực Thành ủy ngày 21/3/2022, Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy ngày 30/3/2022; Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND Thành phố về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ Kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp Thành phố; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) như sau: A. MỤC TIÊU, PHẠM VI, YÊU CẦU CỦA KẾ HOẠCH - Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 nhằm: (1) Thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; chủ trương của đồng chí Tổng Bí thư về việc “tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc: quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc”; (2) Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, các Chương trình công tác của Thành ủy trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa; (3) Khơi dậy mọi tiềm năng, khơi thông mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển của Thủ đô với mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa, đồng đều; (4) Đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển Thủ đô, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp. (5) Không ngừng nâng cao đời sống cho người dân trong điều kiện, khả năng của Thành phố; phát triển kinh tế - xã hội cùng với phát triển văn hóa, phát huy giá trị con người; gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa lịch sử. - Xác định các nhiệm vụ, phương thức triển khai, phân công trách nhiệm và tiến độ thời gian trong việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022- 2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn Thành phố. Đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; nâng cấp hệ thống y tế; tu bổ, tôn tạo di tích trên toàn địa bàn Thành phố trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. - Việc xây dựng Kế hoạch phải căn cứ theo chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Đại Hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và yêu cầu thực tiễn của Thành phố để đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực đầu tư để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và đảm bảo thiết thực, hiệu quả trong mỗi ngành, lĩnh vực về việc xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; về nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống y tế; về tu bổ, tôn tạo các di tích, phát huy giá trị văn hóa lịch sử. - Việc đề xuất danh mục đầu tư từng dự án phải trên cơ sở rà soát kỹ, đánh giá thực trạng, làm rõ: sự cấp thiết phải đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, lộ trình và nguồn lực triển khai (bao gồm cả nguồn vốn ngân sách Thành phố và ngân sách cấp huyện, nguồn xã hội hóa), đảm bảo việc đầu tư hiệu quả, tiết kiệm, tuân thủ đúng phân cấp quản lý nhà nước của Thành phố, phù hợp với quy hoạch, thiết thực với người dân và xã hội. - Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì xây dựng, theo dõi, tổng hợp, tham mưu điều hành Kế hoạch. - UBND các quận, huyện, thị xã, các sở chuyên ngành chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố và Thành ủy về sự cấp thiết, cần thiết phải đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, lộ trình và dự kiến tổng mức đầu tư của từng dự án, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý của cấp huyện. - Các sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm về việc đánh giá thực trạng, xác định nhiệm vụ của giai đoạn 2022-2025 và đề xuất nhu cầu đầu tư đối với các lĩnh vực; sự cấp thiết, cần thiết phải đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, lộ trình và dự kiến tổng mức đầu tư của từng dự án theo mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chuẩn của ngành, lĩnh vực phụ trách, gồm cả các dự án thuộc nhiệm vụ đầu tư của cấp Thành phố và các dự án thuộc nhiệm vụ đầu tư của cấp huyện. - Đầu tư gắn với yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế để phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nhằm phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; chuyển đổi số trong lĩnh vực di tích để tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các công trình di tích lịch sử. - Đầu tư gắn với yêu cầu chuyển đổi số đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế kết nối liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế được xây dựng đồng bộ, tập trung, thống nhất, dùng chung trên phạm vi toàn Thành phố; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục Thủ đô về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; xây dựng cơ sở dữ liệu di tích phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Cơ sở dữ liệu từng ngành bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và sự tương thích, thông suốt giữa các hệ thống thông tin đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng được đẩy mạnh ở mọi lúc, mọi nơi. - Triển khai thực hiện kế hoạch với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, đảm bảo hiệu quả đầu tư. - Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; tăng cường xã hội hóa đầu tư và quản lý sau đầu tư, khai thác trong lĩnh vực giáo dục, y tế và di tích. B. CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 1. Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày 22/11/2019. 2. Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. 3. Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019 và Nghị định 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. 4. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; các Chương trình công tác của Thành ủy, trọng tâm là Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025; Chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 01/11/2021 và số 309/KH-UBND ngày 27/12/2021 của UBND Thành phố; Công văn số 4688/UBND-KH&ĐT ngày 27/12/2021 về rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất nhu cầu đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025. 5. Bám sát định hướng phát triển Thủ đô theo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị và dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo Nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Thành phố; thực tiễn và xu hướng phát triển của Thủ đô, cả nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 6. Lĩnh vực giáo dục: Luật Giáo dục năm 2019 và các Nghị định hướng dẫn; Các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo: số 17, 18, 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các cấp học mầm non, tiểu học, trung học phổ thông; Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông. 7. Lĩnh vực di tích: Luật Di sản và các Nghị định hướng dẫn; Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội; Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND Thành phố về Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội. 8. Lĩnh vực y tế: Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020; Thông tư số 28/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 quy định danh mục trang thiết bị tối thiểu của trạm y tế tuyến xã; Thông tư số 32/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 ban hành hướng dẫn thiết kế cơ bản trạm y tế xã, phường, thị trấn. 9. Về phân cấp: - Về phân cấp quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực: Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 của HĐND Thành phố; Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND thành phố Hà Nội quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. - Về phân cấp ngân sách, đầu tư: Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND Thành phố về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách của thành phố Hà Nội; các quy định của Luật Đầu tư công về phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; Quyết định số 15/2022/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 của UBND Thành phố về quy định một số nội dung về quản lý đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công của thành phố Hà Nội; Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND ngày 10/02/2022 ban hành quy định phân công tổ chức giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư của thành phố Hà Nội. I. Đánh giá thực trạng, xác định yêu cầu và nhu cầu đầu tư 1.1. Đánh giá thực trạng trường công lập đến hết năm 2021 - Năm học 2021-2022, toàn Thành phố có 2.835 trường mầm non, phổ thông và 01 trường trung cấp chuyên nghiệp với 70.199 lớp, 2.206.906 học sinh, 138.090 giáo viên, 72.796 phòng học. Trong đó: + Tổng số trường công lập đến hết năm 2021 là: 2.237 trường, trong đó: thuộc trách nhiệm quản lý của Thành phố là: 123 trường; cấp huyện là: 2.114 trường. + Tổng số trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến ngày 10/02/2022 là: 1.766 trường (đạt tỷ lệ 79%). - Các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chỉ tiêu trường công lập đạt chuẩn quốc gia: + Dân số của Thành phố tăng nhanh, đặc biệt là tốc độ tăng dân số cơ học tại các quận lõi, quận đang phát triển, gây nên sức ép rất lớn cho các trường học, không đảm bảo yêu cầu quy mô trường, lớp để đảm bảo đạt chuẩn quốc gia. + Hệ thống các văn bản quy định về đánh giá tiêu chuẩn hệ thống các văn bản quy định về giáo dục và đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia có nhiều thay đổi, cụ thể: (1) Hệ thống các văn bản quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất (CSVC) thay đổi theo hướng tăng cao: các Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ; số 14/2020/TT-BGDĐT quy định về các điều kiện CSVC trường học, đòi hỏi cần được xây dựng bổ sung rất lớn về các phòng học bộ môn, phòng hỗ trợ học tập; phòng phụ trợ, phòng hành chính - quản trị,... Việc ban hành các Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT; số 14/2020/TT-BGDĐT không quy định chuyển tiếp về chuẩn quốc gia, làm nhiều dự án mới đầu tư xây dựng khi hoàn thành cũng không đáp ứng quy định chuẩn quốc gia. Tháng 5/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BXD ban hành QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng, trong đó quy định về diện tích đất/trẻ em: cấp học mầm non 12m2/trẻ em; đối với trường phổ thông: 10m2/học sinh (cao hơn Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT; số 14/2020/TT-BGDĐT). Đây là một khó khăn rất lớn cho các trường tại Hà Nội. (2) Luật Giáo dục 2019 mới ban hành yêu cầu thay đổi về trình độ giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. (3) Các Thông tư quy định Điều lệ trường học mới ban hành, các Thông tư quy định thiết bị tối thiểu cho tất cả các cấp học mới ban hành ngày 30/12/2021 thay thế các thông tư cũ phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới, là một khó khăn cho công tác xây dựng kế hoạch đầu tư của Thành phố. + Hiện còn thiếu quỹ đất xây trường mới, thiếu quỹ đất để mở rộng trường đảm bảo diện tích đáp ứng quy định chuẩn quốc gia, đặc biệt là ở khu vực các quận. Việc bổ sung, điều chỉnh các dự án để đáp ứng các thay đổi tiêu chuẩn theo quy định mới của Trung ương còn chậm. + Nhiều trường học thuộc trách nhiệm đầu tư của Thành phố đã được xây dựng từ rất lâu, các hạng mục công trình, phòng học, phòng phụ trợ,... trang thiết bị hàng năm được bổ sung rất ít ỏi, hầu hết tài sản, trang thiết bị đã hết khấu hao, không đáp ứng các quy định mới về chuẩn quốc gia. + Tổng số trường công lập của Thành phố lớn. Hàng năm, bên cạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mới tăng thêm, số trường đến thời hạn công nhận lại cũng nhiều. Vì vậy, hàng năm ngân sách cấp Thành phố và cấp huyện cần bố trí khoản kinh phí lớn cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong khi nguồn lực ngân sách của một số huyện, thị xã chưa cân đối được. + Từ cuối năm 2019 đến nay, đại dịch Covid-19 phát sinh đã làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư, ảnh hưởng đến công tác cải tạo sửa chữa, công tác mua sắm trang thiết bị để đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường đạt chuẩn quốc gia. Các dự án xây dựng đều bị chậm tiến độ, các gói thầu mua sắm, đầu tư trang thiết bị cho các nhà trường đều bị ảnh hưởng. - Dự kiến đến hết năm 2025, tổng số trường công lập là: 2.400 trường, trong đó: thuộc trách nhiệm quản lý của Thành phố là: 139 trường; thuộc trách nhiệm quản lý của cấp huyện là: 2.261 trường. - Dự kiến số trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 2.040 trường. Trong đó, thuộc trách nhiệm quản lý của Thành phố là: 123 trường; thuộc trách nhiệm quản lý của cấp huyện là: 1.917 trường. - Về việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục: + Trường ngoài công lập: 550 trường, gồm: 20.643 lớp, 321.298 học sinh, 42.284 giáo viên, 24.397 phòng học. Các trường ngoài công lập tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. + Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có 13 cơ sở giáo dục liên cấp có vốn đầu tư nước ngoài, với 8.180 học sinh (2.649 học sinh Việt Nam và 5.531 học sinh nước), 21 cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với 1.515 trẻ (1.883 học sinh Việt Nam và 1.506 học sinh nước); có 09 văn phòng đại diện nước ngoài; có 261 trung tâm ngoại ngữ, tin học có yếu tố nước ngoài; có 50 trung tâm đào tạo có vốn ĐTNN. + Hà Nội hiện có 108 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư đăng ký trên 15.250 tỉ đồng, sử dụng 1.926.230 m2 đất; có 72 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng, trong đó 38 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động như: THCS-THPT Marie Cuirie tại khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm với kinh phí 350 tỷ đồng; Trường Tiểu học, THCS-THPT Vinschool tại 458 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng với kinh phí 800 tỷ đồng, THPT Kinh Đô (huyện Đông Anh), THCS-THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm), THCS-THPT TH School-Hòa Lạc (huyện Thạch Thất), TH-THCS-THPT Vinschool The Harmony (quận Long Biên) với kinh phí 350 tỷ đồng, Trường quốc tế Parkcity HANOI với kinh phí 300 tỷ đồng, Trường Tiểu học, THCS và THPT Archimedes - Đông Anh với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng... Trung bình hàng năm huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách khoảng 2.800 tỷ đồng xây dựng trường lớp học ngoài công lập. - Đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư của cấp Thành phố: Số trường cần xây mới, cải tạo, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị để đề nghị công nhận mới và công nhận lại đạt chuẩn Quốc gia là: 123 trường (Công nhận mới: 40 trường, công nhận lại: 83 trường). Ngoài ra, xây dựng mới 16 trường (trong đó có 07 trường liên cấp). Tổng mức đầu tư 139 dự án là 8.526 tỷ đồng. - Đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư của cấp Huyện: Tổng kinh phí nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường là 50.738 tỷ đồng, để đầu tư 1.431 dự án. Các huyện, thị xã đề nghị ngân sách Thành phố hỗ trợ cấp huyện là 26.775 tỷ đồng. - Tổng nhu cầu đầu tư trường học đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố: 59.265 tỷ đồng để thực hiện 1.570 dự án. - Về hệ thống y tế công lập: + Thành phố Hà Nội có 41 bệnh viện trực thuộc, gồm 13 bệnh viện đa khoa Thành phố, 13 bệnh viện đa khoa huyện, 15 bệnh viện chuyên khoa. Tổng số giường bệnh đạt: 22.796 giường, đạt 27,5 giường bệnh/1 vạn dân (tính trên dân số: 8,3 triệu người)1. Thời gian qua, các bệnh viện đã cơ bản đáp ứng công tác điều trị cho người bệnh, nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị ngang tầm với các bệnh viện Trung ương như sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu, phẫu thuật tạo hình,...Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Phần lớn các bệnh viện tại các quận nội thành đã triển khai được dịch vụ kỹ thuật cao nhưng quy mô diện tích nhỏ và thiếu so với diện tích trung bình theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4470:2020 (100m2/giường bệnh) như các bệnh viện: Ung bướu, Tim Hà Nội, Thận Hà Nội, đa khoa Hòe Nhai... Nhiều bệnh viện ngoại thành còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất do được xây dựng từ rất lâu như: bệnh viện Bắc Thăng Long, bệnh viện đa khoa các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất, Thanh Oai, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Vân Đình, Quốc Oai..., các bệnh viện này chưa triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao. Nhiều khu đô thị mới đã hình thành theo sự phát triển chung của Thành phố nhưng chưa có các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh phát triển tương xứng, đặc biệt là chưa có các bệnh viện đa khoa khu vực nằm tại các cửa ngõ của Thủ đô để giảm tải cho các bệnh viện trong nội thành và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân các tỉnh lân cận. Việc kêu gọi xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn. + Về hệ thống y tế cơ sở: Thành phố hiện có 30 Trung tâm y tế trực thuộc, trong đó gồm 579 trạm y tế xã/phường/thị trấn, 53 phòng khám đa khoa, 04 nhà hộ sinh và các cơ sở điều trị Methadone. Theo báo cáo của các đơn vị, 100% trạm y tế trên địa bàn Thành phố đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều trạm y tế được đầu tư xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp cần được đầu tư xây mới, nâng cấp mở rộng và cải tạo, sửa chữa nâng cấp để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng buồng phòng theo yêu cầu của chuyên môn. Mặt khác, việc đánh giá trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã đến năm 2020 được thực hiện theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020. Theo đó, có 10 tiêu chí với tổng điểm là 100, trong đó tiêu chí về cơ sở vật chất chiếm 11/100 điểm và quy định trạm y tế đạt từ 80% điểm trở lên sẽ đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Thời gian qua, toàn Thành phố có 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn đã được khảo sát, chấm điểm và đều đạt chuẩn quốc gia về y tế xã với mức điểm từ 80% trở lên và với tiêu chí về cơ sở vật chất chỉ cần đạt 5,5/11 điểm. Do đó, trên thực tế nhiều trạm y tế xã, phường mặc dù đạt chuẩn quốc gia nhưng vẫn còn nhiều tồn tại về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, chưa thực sự đảm bảo đáp |
||||
Đang cập nhật |