QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025; Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010; Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024; Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chính phủ ban hành Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. 1. Nghị định này quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau đây gọi là Cơ chế thử nghiệm) đối với việc triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới thông qua ứng dụng giải pháp công nghệ (sau đây gọi là giải pháp công nghệ tài chính). 2. Các giải pháp công nghệ tài chính (viết tắt là giải pháp Fintech) được tham gia thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm bao gồm: a) Chấm điểm tín dụng; b) Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); c) Cho vay ngang hàng. 1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (không áp dụng đối với điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị định này). 2. Các công ty công nghệ tài chính. 3. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 4. Khách hàng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến Cơ chế thử nghiệm. Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Công ty công nghệ tài chính (viết tắt là công ty Fintech) là tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; độc lập cung ứng giải pháp Fintech hoặc thông qua hợp tác với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để cung ứng giải pháp Fintech ra thị trường. 2. Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty Fintech đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm. 3. Giải pháp cho vay ngang hàng là giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin do công ty cho vay ngang hàng cung cấp để kết nối thông tin, hỗ trợ giao kết hợp đồng trên nền tảng số giữa khách hàng là bên đi vay và bên cho vay. Đồng tiền sử dụng trong giải pháp cho vay ngang hàng là đồng Việt Nam. 4. Công ty cho vay ngang hàng là công ty Fintech cung cấp giải pháp cho vay ngang hàng cho khách hàng. 5. Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open Application Programming Interface - Open API) là một tập hợp các API được tiêu chuẩn hóa, có thể được sử dụng bởi hệ thống máy tính của nhiều tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty Fintech và các bên thứ ba khác để gửi các yêu cầu dịch vụ đến hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chia sẻ Open API đó. 6. Chấm điểm tín dụng là giải pháp ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty Fintech nhằm chấm điểm mức độ uy tín tín dụng của một cá nhân, tổ chức để hỗ trợ quyết định cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 7. Khách hàng là tổ chức, cá nhân có quan hệ hợp đồng và trực tiếp sử dụng giải pháp Fintech của tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm. 8. Khách hàng sử dụng giải pháp cho vay ngang hàng do công ty cho vay ngang hàng cung cấp, bao gồm: Bên cho vay là pháp nhân (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, cá nhân có quốc tịch Việt Nam; Bên đi vay là pháp nhân (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, cá nhân có quốc tịch Việt Nam. Điều 4. Mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm 1. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp. 2. Tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp Fintech; hỗ trợ xây dựng, phát triển các giải pháp Fintech phù hợp với nhu cầu thị trường, khung khổ pháp lý, quy định quản lý. 3. Hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi sử dụng các giải pháp Fintech do tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm cung cấp. 4. Kết quả triển khai thử nghiệm giải pháp Fintech được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định quản lý liên quan nếu cần thiết. Điều 5. Nguyên tắc xét duyệt tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm Để đảm bảo tính công bằng, khách quan, công khai và minh bạch, việc xét duyệt các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản như sau: 1. Quá trình xét duyệt tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm đảm bảo tính minh bạch về tiêu chí và điều kiện, quy trình đánh giá, lựa chọn. 2. Việc được tham gia Cơ chế thử nghiệm không đồng nghĩa với việc tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm sẽ đáp ứng các điều kiện kinh doanh và đầu tư khi pháp luật có quy định. 3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty Fintech không có nhu cầu tham gia Cơ chế thử nghiệm hoặc chưa được xét duyệt tham gia Cơ chế thử nghiệm hoạt động và tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, đầu tư và pháp luật khác có liên quan. Điều 6. Thời gian, không gian và phạm vi thử nghiệm 1. Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 02 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm. Thời gian thử nghiệm có thể được gia hạn theo quy định tại Điều 20 Nghị định này. Thời hạn của Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm không vượt quá thời hạn (nếu có) của Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm. 2. Không gian thử nghiệm: Việc triển khai thử nghiệm các giải pháp Fintech được giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam, không được thực hiện thử nghiệm xuyên biên giới. 3. Phạm vi thử nghiệm: a) Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm chỉ được cung cấp các giải pháp Fintech trong phạm vi được quy định tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm; b) Tùy thuộc vào giải pháp Fintech và đề xuất cụ thể của tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm tại Hồ sơ đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm, ý kiến của các bộ, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định phạm vi thử nghiệm của giải pháp Fintech thử nghiệm tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm; c) Công ty cho vay ngang hàng chỉ được thực hiện cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng trong phạm vi thử nghiệm tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm được Ngân hàng Nhà nước cấp cho Công ty cho vay ngang hàng theo quy định tại Nghị định này. Công ty cho vay ngang hàng tham gia Cơ chế thử nghiệm không được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác không được nêu tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm, không được tự cung cấp biện pháp bảo đảm cho khoản vay của khách hàng, hoạt động với tư cách là khách hàng và cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng cho công ty cầm đồ. 1. Hồ sơ phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự) và dịch ra tiếng Việt. 2. Các bản sao hồ sơ, tài liệu phải là bản sao có chứng thực hoặc bản sao cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu theo quy định của pháp luật, trường hợp hồ sơ gửi trực tuyến thì thực hiện theo quy định về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. 3. Bản khai lý lịch cá nhân tự lập được chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật. 4. Hồ sơ được gửi qua đường bưu điện (dịch vụ bưu chính) hoặc nộp trực tiếp tới Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. 5. Tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm, điều chỉnh giải pháp thử nghiệm, dừng thử nghiệm, gia hạn thời gian thử nghiệm, cấp Giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin cung cấp. ĐĂNG KÝ VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN THAM GIA CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM Mục 1. ĐỐI VỚI CÁC GIẢI PHÁP FINTECH ĐƯỢC QUY ĐỊNH TẠI ĐIỂM A, ĐIỂM B KHOẢN 2 ĐIỀU 1 Điều 8. Điều kiện và tiêu chí tham gia Cơ chế thử nghiệm 1. Tổ chức tín dụng không thuộc nhóm tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt theo Luật Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi giải pháp Fintech đáp ứng các tiêu chí như sau: a) Là giải pháp có nội dung kỹ thuật và nghiệp vụ mà quy định pháp lý hiện hành chưa hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc triển khai, áp dụng; b) Là giải pháp có tính đổi mới sáng tạo, đem lại lợi ích, giá trị gia tăng cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính; c) Là giải pháp đã thiết kế, xây dựng được khung quản lý rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng và hoạt động ngân hàng - tiền tệ - ngoại hối; đã xây dựng phương án về xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm; đã xây dựng phương án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; d) Là giải pháp đã được tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm thực hiện các biện pháp rà soát, đánh giá đầy đủ trên các khía cạnh hoạt động và chức năng, công dụng, tính hữu ích; đ) Là giải pháp có tính khả thi để có thể cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm. 2. Công ty Fintech được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi giải pháp Fintech đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này và đáp ứng các điều kiện như sau: a) Là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quy định pháp luật; b) Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm là người quản lý, người điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật. 3. Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm có trách nhiệm đảm bảo duy trì đủ các điều kiện trong quá trình tham gia Cơ chế thử nghiệm. Điều 9. Hồ sơ đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm 1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm theo Mẫu số 01 Phụ lục I kèm theo Nghị định này đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này đối với Công ty Fintech. 2. Tài liệu mô tả về cơ cấu tổ chức và quản lý điều hành khi triển khai giải pháp Fintech đăng ký thử nghiệm. 3. Nghị quyết của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, văn bản của người đại diện có thẩm quyền của chủ sở hữu phù hợp với thẩm quyền quy định tại Điều lệ về việc thông qua Đề án mô tả giải pháp Fintech đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm. 4. Đề án mô tả giải pháp Fintech đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm, trong đó thể hiện mô hình mô phỏng giải pháp hoặc bản trình diễn thử (Demo); nhóm khách hàng tiềm năng; việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 8 được hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này. 5. Kế hoạch thử nghiệm, bao gồm: Thời gian, không gian và phạm vi dự kiến thử nghiệm; kinh phí dự kiến cho hoạt động thử nghiệm; nguồn lực tham gia thử nghiệm; nguyên tắc trao đổi, báo cáo với Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn thử nghiệm; việc chấm dứt thử nghiệm đảm bảo tính khả thi để hoàn tất các nghĩa vụ trong thời hạn tối đa 06 tháng sau thời điểm có quyết định dừng thử nghiệm. 6. Hồ sơ về nhân sự: Bản khai lý lịch (trước thời điểm nộp hồ sơ không quá 06 tháng), bản sao các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện triển khai thử nghiệm giải pháp Fintech. 7. Bản sao các tài liệu chứng minh tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm được thành lập và hoạt động hợp pháp, gồm: Giấy phép thành lập hoặc giấy tờ có giá trị tương đương; Điều lệ; Giấy chứng nhận đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (nếu có). Điều 10. Trình tự, thủ tục đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm 1. Trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu điện (dịch vụ bưu chính) hoặc nộp trực tiếp tới Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước, tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm gửi 02 bộ hồ sơ và 06 đĩa CD (hoặc 06 USB) lưu trữ bản quét Bộ hồ sơ đầy đủ đề nghị cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm theo quy định tại Điều 9 Nghị định này. 2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm bổ sung, hoàn thiện thành phần hồ sơ. Thời gian bổ sung, hoàn thiện thành phần hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu bổ sung, hoàn thiện thành phần hồ sơ nhưng tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm không gửi lại hồ sơ hoặc hồ sơ bổ sung của tổ chức không đáp ứng thành phần thì Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lại hồ sơ cho tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm. 3. Trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ liên quan tiến hành thẩm định hồ sơ bao gồm cả việc kiểm tra tại chỗ nếu cần thiết. Trên cơ sở nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi lấy ý kiến tham gia góp ý của các bộ liên quan. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị, các bộ liên quan gửi Ngân hàng Nhà nước văn bản tham gia ý kiến đối với hồ sơ. Trường hợp cần tiến hành Kiểm tra tại chỗ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị các bộ liên quan cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra tại chỗ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị, các bộ liên quan gửi Ngân hàng Nhà nước văn bản cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra tại chỗ. Việc Kiểm tra tại chỗ phải được thông báo cho tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tiến hành kiểm tra tại trụ sở làm việc của tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm. Trường hợp hồ sơ cần giải trình, làm rõ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm giải trình, hoàn thiện hồ sơ. Tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm được phép gửi giải trình và hoàn thiện hồ sơ 01 lần. Sau thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu giải trình, hoàn thiện hồ sơ mà tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm không gửi lại văn bản giải trình, hoàn thiện hồ sơ thì Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lại hồ sơ cho tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm. Thời gian giải trình, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ. Kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, hoàn thiện của tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi lấy ý kiến tham gia góp ý của các bộ liên quan. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị, các bộ liên quan gửi Ngân hàng Nhà nước văn bản tham gia ý kiến đối với hồ sơ. 4. Sau khi thời gian thẩm định quy định tại khoản 3 Điều này kết thúc, Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm đối với tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm có hồ sơ đáp ứng các điều kiện và tiêu chí theo quy định tại Điều 8 Nghị định này. Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 5. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm tiến hành triển khai giải pháp Fintech trong phạm vi Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm. Mục 2. ĐỐI VỚI GIẢI PHÁP CHO VAY NGANG HÀNG Điều 11. Điều kiện và tiêu chí tham gia Cơ chế thử nghiệm 1. Giải pháp cho vay ngang hàng được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi giải pháp đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này và các tiêu chí sau: a) Có biện pháp để xác định và quản lý dư nợ tối đa đối với một bên đi vay tại giải pháp cho vay ngang hàng do mình cung cấp, báo cáo và khai thác thông tin tức thời về bên đi vay tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam để đảm bảo tuân thủ quy định về dư nợ tối đa đối với một bên đi vay tại giải pháp cho vay ngang hàng do mình cung cấp và dư nợ tối đa đối với một bên đi vay tại toàn bộ các giải pháp cho vay ngang hàng tham gia Cơ chế thử nghiệm; b) Việc giải ngân, thanh toán khoản vay, lãi, phí cho các giao dịch của khách hàng tại giải pháp cho vay ngang hàng phải được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc ví điện tử của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; c) Có biện pháp để đảm bảo thời hạn hợp đồng giữa bên đi vay và bên cho vay sử dụng giải pháp cho vay ngang hàng tham gia Cơ chế thử nghiệm không vượt quá 02 năm. 2. Công ty Fintech đăng ký thử nghiệm giải pháp cho vay ngang hàng được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi giải pháp đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này và đáp ứng các điều kiện cụ thể sau: a) Là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật; b) Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của Công ty là người có quốc tịch Việt Nam; không có án tích; không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và an ninh mạng; không đồng thời là chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, ngân hàng, cầm đồ, kinh doanh theo phương thức đa cấp; không là chủ các dây hụi, họ, biêu, phường hoặc đang là thành viên Hội đồng Quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; c) Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của Công ty phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm là người quản lý, người điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật; d) Đáp ứng tiêu chuẩn về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật đối với nền tảng số triển khai giải pháp cho vay ngang hàng đảm bảo các yêu cầu tối thiểu sau: Hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống lưu trữ thông tin phải đặt trong lãnh thổ Việt Nam, vận hành đảm bảo an toàn và liên tục, hệ thống kỹ thuật dự phòng độc lập với hệ thống chính để đảm bảo không bị gián đoạn khi xảy ra các sự cố, đặc biệt là sự cố về kỹ thuật, công nghệ. Dữ liệu, thông tin của toàn bộ khách hàng và các bên liên quan phải được cập nhật, lưu trữ và chia sẻ trên nền tảng số có tính bảo mật cao, đảm bảo minh bạch, công khai giữa các bên tham gia nhưng đồng thời phải bảo mật thông tin của bên tham gia đối với các bên không liên quan theo quy định của pháp luật. Thử nghiệm và đánh giá hệ thống công nghệ thông tin trước khi đưa vào vận hành. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn về lĩnh vực đảm nhiệm đảm bảo hệ thống vận hành an toàn và liên tục. 3. Công ty cho vay ngang hàng tham gia Cơ chế thử nghiệm có trách nhiệm đảm bảo duy trì đủ các điều kiện, tiêu chí trong quá trình tham gia Cơ chế thử nghiệm. Điều 12. Hồ sơ đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm Hồ sơ đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm đối với Công ty Fintech có đăng ký thử nghiệm giải pháp cho vay ngang hàng gồm các tài liệu cụ thể như sau: 1. Đơn đăng ký tham gia theo Mẫu số 03 Phụ lục I kèm theo Nghị định này. 2. Tài liệu mô tả về cơ cấu tổ chức và quản lý, điều hành khi triển khai giải pháp cho vay ngang hàng đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm. 3. Nghị quyết của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, văn bản của người đại diện có thẩm quyền của chủ sở hữu phù hợp với thẩm quyền quy định tại Điều lệ về việc thông qua Đề án mô tả giải pháp cho vay ngang hàng đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm. 4. Đề án mô tả giải pháp cho vay ngang hàng đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm được hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này. 5. Kế hoạch thử nghiệm, bao gồm: Thời gian, không gian và phạm vi dự kiến thử nghiệm, kinh phí dự kiến cho hoạt động thử nghiệm, nguồn lực dự kiến tham gia thử nghiệm và nguyên tắc trao đổi, báo cáo với Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn thử nghiệm; việc chấm dứt thử nghiệm đảm bảo tính khả thi để hoàn tất các nghĩa vụ với khách hàng và các bên liên quan sau thời điểm có quyết định dừng thử nghiệm. 6. Hồ sơ về nhân sự: Bản khai lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp (trước thời điểm nộp hồ sơ không quá 06 tháng), bản sao các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc); văn bản của người đại diện có thẩm quyền của đơn vị nơi người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) đã hoặc đang làm việc xác nhận chức vụ và thời gian đảm nhận chức vụ hoặc bản sao văn bản chứng minh chức vụ và thời gian đảm nhiệm chức vụ tại đơn vị. 7. Bản sao các tài liệu chứng minh Công ty Fintech được thành lập và hoạt động hợp pháp, gồm: Giấy phép thành lập hoặc giấy tờ có giá trị tương đương, Điều lệ. Điều 13. Trình tự, thủ tục đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm 1. Trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu điện (dịch vụ bưu chính) hoặc nộp trực tiếp tới Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước, tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm gửi 02 bộ hồ sơ và 06 đĩa CD (hoặc 06 USB) lưu trữ bản quét Bộ hồ sơ đầy đủ đề nghị cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm theo quy định tại Điều 12 Nghị định này. 2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm bổ sung, hoàn thiện thành phần hồ sơ. Thời gian bổ sung, hoàn thiện thành phần hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu bổ sung, hoàn thiện thành phần hồ sơ nhưng tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm không gửi lại hồ sơ hoặc hồ sơ bổ sung của tổ chức không đáp ứng thành phần thì Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lại hồ sơ cho tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm. 3. Trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ liên quan tiến hành thẩm định hồ sơ bao gồm cả việc kiểm tra tại chỗ nếu cần thiết. Trên cơ sở nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi lấy ý kiến tham gia góp ý của các bộ liên quan. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị, các bộ liên quan gửi Ngân hàng Nhà nước văn bản tham gia ý kiến đối với hồ sơ. Trường hợp cần tiến hành kiểm tra tại chỗ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị các bộ liên quan cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra tại chỗ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị, các bộ liên quan gửi Ngân hàng Nhà nước văn bản cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra tại chỗ. Việc kiểm tra tại chỗ phải được thông báo cho tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tiến hành kiểm tra tại trụ sở làm việc của tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm. Trường hợp hồ sơ cần giải trình, làm rõ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm giải trình, hoàn thiện hồ sơ. Tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm được phép gửi giải trình và hoàn thiện hồ sơ 01 lần. Sau thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu giải trình, hoàn thiện hồ sơ mà tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm không gửi lại văn bản giải trình, hoàn thiện hồ sơ thì Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lại hồ sơ cho tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm. Thời gian giải trình, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ. Kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, hoàn thiện của tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi lấy ý kiến tham gia góp ý của các bộ liên quan. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị, các bộ liên quan gửi Ngân hàng Nhà nước văn bản tham gia ý kiến đối với hồ sơ. 4. Sau khi thời gian thẩm định quy định tại khoản 3 Điều này kết thúc, Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm đối với tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm có hồ sơ đáp ứng các điều kiện và tiêu chí theo quy định tại Điều 8 và Điều 11 Nghị định này. |
||||