Tại sao căn cước công dân ghi theo quê cha mà không phải quê mẹ?

calendar_today15/06/2023

Tại sao căn cước công dân ghi theo quê cha mà không phải quê mẹ? - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 10-6, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về dự án sửa Luật Căn cước công dân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) băn khoăn về thông tin quê quán trên thẻ căn cước công dân.

Theo ông, lâu nay quy định quê quán được hiểu là quê cha, không có quê mẹ liệu đã hợp lý hay chưa?
"Quê quán chúng ta ghi quê cha, tức là quê nội, cuối cùng thông tin này đem lại ý nghĩa gì? Tại sao quê quán lại là quê cha, mà không phải quê mẹ? Nếu đã thể hiện quê cha trên căn cước, có thể thêm quê mẹ không?", ông Nghĩa nêu.
Đại biểu Nghĩa cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, thống nhất về "nơi sinh" hay là "nơi khai sinh".

Bởi theo ông, một người có thể sinh ở bệnh viện (thuộc tỉnh này), nhưng sẽ khai sinh ở tỉnh khác, do đó cần thống nhất.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng đồng tình với đại biểu Trương Trọng Nghĩa khi cần xem xét thể hiện cả quê cha (tức quê nội) và quê mẹ (tức quê ngoại).
Ông nói với hầu hết chúng ta, quê mẹ mang rất nhiều ý nghĩa, gắn với mỗi người từ tuổi thơ. Do đó, vị đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cân nhắc nội dung này.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng nêu việc đề xuất đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, chỉ bỏ đi hai từ "công dân" nhưng làm thay đổi toàn bộ các văn bản có liên quan. Do vậy, cần có đánh giá, xem xét cụ thể.
Ông cho rằng việc xác định quê quán cũng chưa rõ ràng. "Quê quán nói xác định theo quê của cha. Quê của cha thì lại xác định theo quê của ông nội.
Nếu cứ như vậy thì tất cả cuối cùng sẽ quê ở Phú Thọ hết, bởi đây là đất tổ. Như vậy, xác định thế nào, người dân khai thế nào cần xác định rõ", ông Lâm nêu.
Cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thuận lợi, tiết kiệm
Nêu ý kiến tại tổ, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng - cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) nêu rõ hiện nay các quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành không còn đủ.
Đồng thời, không còn phù hợp với các điều chỉnh quan hệ xã hội, thiếu các quy định về khai thác, điều chỉnh thông tin trên căn cước, thông tin người dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư...

Cùng với đó, chưa có quy định về cấp số định danh cá nhân cho người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Do đó, việc sửa đổi luật là cần thiết.

Tại sao căn cước công dân ghi theo quê cha mà không phải quê mẹ? - Ảnh 3.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng - Cục trưởng C06, Bộ Công an - Ảnh: GIA HÂN.

Ông Hùng chỉ rõ rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu về việc tại sao sửa đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước và khi đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến. Sau đó mới chấp nhận đổi thành Luật Căn cước.
Giải thích sau đó, ông Hùng nói do hiện nay có hàng chục ngàn người gốc Việt đang sinh sống ở Việt Nam nhưng do chiến tranh, di cư... nên không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh. Do đó, cần biện pháp quản lý.
"Tất cả các trường hợp không có giấy tờ gì thì con cái không được học hành, nơi ở không có, dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, nếu để căn cước công dân sẽ không cấp giấy tờ cho họ được. Vì vậy, phải bỏ từ công dân để trở thành Luật Căn cước", ông Hùng giải thích thêm về một lý do.
Về việc cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi, ông Hùng thông tin khi đi nghiên cứu ở nhiều nước, trong đó có một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan... đều cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi.
Đồng thời, việc này cũng phù hợp với các điều ước của quốc tế và chỉ cấp cho các trường hợp có nhu cầu.
"Trước đây chỉ có một giấy khai sinh, quản lý rất khó, có khả năng làm giả, nhưng nếu cấp căn cước công dân sẽ rất tiện lợi, tiết kiệm, không lãng phí", ông Hùng nói và khẳng định căn cước chỉ cần làm một lần, tính bảo mật rất cao, làm giàu cho cơ sở dữ liệu, quản lý xã hội.
"Trước đây chỉ có một giấy khai sinh, quản lý rất khó, có khả năng làm giả, nhưng nếu cấp căn cước công dân sẽ rất tiện lợi, tiết kiệm, không lãng phí", ông Hùng nói và khẳng định căn cước chỉ cần làm một lần, tính bảo mật rất cao, làm giàu cho cơ sở dữ liệu, quản lý xã hội.

Đồng thời, việc này chỉ áp dụng với một số người có tiền án, tiền sự, phục vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

THÀNH CHUNG

Nguồn: https://tuoitre.vn/tai-sao-can-cuoc-cong-dan-ghi-theo-que-cha-ma-khong-phai-que-me-20230610123922301.htm?gidzl=PN0E6Q_E04vfRmeQhzO6GMTj2XUtrG94Vse87kVJ0HqjQmf7iOLN77nl2apcqG1CUJe973V-ZpjYgiqDJW