Bình Thuận: Yêu cầu thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai
Chiều qua 20.6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng chủ trì cuộc họp, nghe các sở, ngành báo cáo và cho ý kiến việc rà soát các dự án (DA), công trình nằm ở ven biển thuộc diện đầu tư ngoài ngân sách.
Nhiều dự án ven biển không triển khai
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Bình Thuận, tính từ tháng 6.2011 đến nay, Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư cho 77 DA ven biển (56 DA du lịch, 2 DA dân cư và 19 DA thủy sản) đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Trong đó, 56 DA đầu tư du lịch chiếm diện tích 1.039 ha (trong đó có 618 ha mặt biển - tỷ lệ 59% diện tích). Theo phân tích của cơ quan này, đã có 25 DA đi vào hoạt động, kinh doanh (đạt 44,6%), có 8 DA đang triển khai và 23 DA chưa triển khai.
Khu vực ven biển TP.Phan Thiết còn nhiều DA nằm ở mặt ven biển chưa được triển khai
NGỌC THẮNG
Cũng theo Sở KH-ĐT, chỉ tính riêng ở TP.Phan Thiết có đến 23 DA (diện tích 324 ha, trong đó có 119,7 ha mặt biển), chủ yếu nằm ở các vị trí "đất vàng" vùng lõi của Khu du lịch quốc gia Mũi Né, thuộc P.Hàm Tiến, Mũi Né, Phú Hài và xã Tiến Thành. Trong số 23 DA ở TP.Phan Thiết, chỉ có 14 DA đi vào hoạt động, kinh doanh chiếm diện tích rất nhỏ, khoảng 18 ha.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Bình Thuận, việc chấp thuận đầu tư cho các DA du lịch, bất động sản du lịch phải phù hợp với quy hoạch ngành được phê duyệt. Đặc biệt, việc chấp thuận các DA đầu tư mới phải thực hiện đúng quy định tại luật Tài nguyên môi trường, biển và hải đảo 2015, ưu tiên quyền tiếp cận biển của người dân.
Sở KH-ĐT nhận định, hiện nay vẫn còn nhiều DA được triển khai xây dựng phía mặt biển, hạn chế quyền tiếp cận mặt biển của người dân.
Bình Thuận đang có chủ trương hạn chế cấp phép (tiến đến không cấp phép) các DA che hết mặt biển, nhằm tạo điều kiện cho người dân được quyền tiếp cận biển
QUẾ HÀ
Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng yêu cầu phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, vì sao có những DA chậm triển khai dù đã được giao đất. Bên cạnh đó, ông Dũng yêu cầu, trước mắt cần khẩn trương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chung để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Đồng thời, không thực hiện việc cấp phép mới các công trình, DA ven biển.
Yêu cầu các sở, ngành và địa phương rà soát lại tất cả các DA, công trình ven biển đã được chấp thuận đầu tư. Đề xuất tỉnh thu hồi các công trình, DA chậm triển khai mà không có lý do chính đáng.
Ông Đoàn Anh Dũng yêu cầu rà soát các DA ven biển và yêu cầu các cơ quan tham mưu thu hồi các DA chậm triển khai không có lý do chính đáng
T.T.DÂN
Thanh tra Sở Xây dựng phải tăng cường thanh, kiểm tra các hoạt động xây dựng ở ven biển, kịp thời xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, không phép, có tác động xấu đến du lịch biển và cản trở quyền tiếp cận biển của người dân.
Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Thuận yêu cầu khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch phân khu các vùng ven biển làm cơ sở thực hiện các thủ tục khác theo quy định pháp luật. Các địa phương phải rà soát, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, nhất là đất đai các khu vực ven biển không để xảy ra lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
Tạo cơ hội cho người dân quyền tiếp cận biển
Trước đó, Thường trực tỉnh ủy Bình Thuận đã có kết luận về việc mở rộng TP.Phan Thiết và quy hoạch lại một số địa điểm của TP.Phan Thiết đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.
Theo đó, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030 (theo Nghị quyết 36/TƯ), Bình Thuận không cấp mới các công trình, DA phía bờ biển và tiến tới giải phóng mặt bằng, tạo đường bờ biển, bãi biển thông thoáng, nhằm tạo ra cơ hội tiếp cận biển của người dân.
Tỉnh ủy Bình Thuận nhận định, bờ biển của TP.Phan Thiết dài gần 60 km nhưng lại bị chia cắt bởi các con sông, các khu dân cư và đặc biệt là các đô thị, DA du lịch che hết mặt biển. "Nhiều vị trí đẹp sát biển đã được xây dựng kín bởi các công trình bê tông, thậm chí xây dựng nhà cao tầng sát mặt biển, che khuất tầm nhìn. Bãi biển công cộng để phục vụ người dân và du khách không còn nhiều", Kết luận của Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nêu.
Trong định hướng và đưa ra các giải pháp, Tỉnh ủy Bình Thuận đề ra chủ trương: "Đối với những dự án đã đủ tính pháp lý, tỉnh sẽ chủ trương thương lượng với nhà đầu tư trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà nước, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Kiên quyết thu hồi các dự án trong khu vực bảo vệ ven biển đã cấp phép nhưng 'ngâm' không triển khai. Tiến tới làm cầu, đường nối ven biển tạo không gian biển thoáng đãng thu hút các nhà đầu tư lớn và nhất là ưu tiên quyền tiếp cận biển của người dân và doanh nghiệp".
Quế Hà