Vụ kiện chai Coca Cola phát nổ thay đổi quy định tố tụng nước Mỹ
calendar_today03/07/2023
Năm 1944, Coca Cola thua kiện vì chai nước ngọt phát nổ trên tay khách hàng khi chưa mở, dù đưa ra bằng chứng về dây chuyền sản xuất hoàn hảo.
Gladys Escola là nhân viên phục vụ tại một nhà hàng, làm việc ở Fresno, California vào năm 1944. Một ngày, Gladys bắt đầu công việc quen thuộc khi chiếc xe tải chở các thùng Coca Cola đi tới giao. Cô bê một thùng lại gần quầy hàng, chuyển từng chai từ thùng sang tủ lạnh. Đến chai thứ tư, chai nước ngọt bất ngờ phát nổ trong tay cô. Những mảnh thủy tinh cứa vào lòng bàn tay và để lại vết thương dài 13 cm.
Nữ nhân viên này sau đó kiện công ty đóng chai Coca Cola, chi nhánh Fresno, cáo buộc đã cẩu thả trong việc bán các chai chứa đồ uống với áp suất khí quá mức hoặc do một số khiếm khuyết trong chai dẫn đến phát nổ.
Gladys được đại diện bởi luật sư tranh tụng huyền thoại Melvin Belli, khi đó đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp. Ông không ngờ rằng việc này về sau trở thành một vụ kiện mang tính bước ngoặt sâu rộng trong lịch sử tư pháp Mỹ và thay đổi vĩnh viễn các yêu cầu về trách nhiệm pháp lý với sản phẩm.
Một quầy hàng Coca Cola tại Sân vận động Wembley trong Thế vận hội Olympic 1948 ở London. Ảnh: CNN
Tại phiên tòa sơ thẩm, Gladys khẳng định chất lỏng bên trong không bị lắc lên, không có vết nứt trên chai và không có áp lực tác động lên chai trước khi nó vỡ.
Nhiều nhân chứng được triệu tập, trong đó có các nhân viên nhà hàng, đồng nghiệp của Gladys, nói khi đó đứng cách Gladys nửa mét. Cái chai không bị va đập vào bất cứ đâu trước khi phát nổ.
Phần trên cùng của cái chai cùng với nắp vẫn nằm trong tay Gladys sau sự cố, và phần dưới cùng văng xa, va đập vào bức tường cạnh đó rồi mới rơi xuống sàn, song không vỡ. Chiếc chai vỡ không được mang đến phiên tòa vì các mảnh vỡ đã bị một nhân viên của nhà hàng vứt bỏ ngay sau vụ tai nạn.
Chính tài xế giao hàng của công ty Coca Cola cũng làm chứng rằng trước đây đã nhìn thấy các chai Coca Cola khác phát nổ và nhiều lần thấy những chai vỡ trong nhà kho khi lấy thùng ra. Anh khai không biết nguyên nhân gì khiến chúng phát nổ.
Trong khi đó, Coca-Cola giải thích quy trình sản xuất chai thủy tinh cũng như các phương pháp được sử dụng để thử nghiệm và kiểm tra chai hoàn toàn đảm bảo. Công ty là nhà sản xuất đồ đựng bằng thủy tinh lớn nhất ở Mỹ và công ty sử dụng các phương pháp tiêu chuẩn để kiểm tra chai do hiệp hội đồ đựng bằng thủy tinh khuyến nghị.
Thử nghiệm áp suất được thực hiện bằng cách lấy một mẫu từ mỗi khuôn ba giờ một lần, cứ khoảng 600 chai thì lấy ngẫu nhiên một mẫu, và cho mẫu chai này chịu áp suất bên trong là 450 pound trên inch vuông, áp suất này được duy trì trong một phút. Trong khi áp suất bình thường trong chai Coca Cola chỉ dưới 50 pound trên inch vuông. Các chai mẫu cũng phải trải qua thử nghiệm sốc nhiệt tiêu chuẩn.
Do đó, họ có sẵn một phương pháp thường được sử dụng để kiểm tra các chai để phát hiện sai sót mà mắt thường không nhìn thấy được, phương pháp này "gần như không thể sai lầm". Các chai đã qua sử dụng không phải trải qua các thử nghiệm nêu trên nữa.
Một chiếc xe tải giao hàng của Coca Cola những năm 1940. Ảnh: Charish
Song tòa cho rằng, đúng là Coca Cola đã đưa ra bằng chứng cho thấy rằng họ đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa đáng kể. Tuy nhiên nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm pháp lý tuyệt đối khi một mặt hàng được đưa ra thị trường, phải biết rằng nó sẽ được sử dụng mà không cần kiểm tra.
Theo tòa, không có bằng chứng nào cho thấy sau khi Coca Cola giao các chai đến nhà hàng, đã có sự tác động ngoại lực quá mức có thể gây thêm áp suất cho chai. Do đó, nếu có vấn đề với áp suất trong chai, vấn đề đó sẽ phát sinh trong quá trình sản xuất và trong khi nằm dưới sự kiểm soát của Công ty đóng chai Coca Cola ở Fresno, bởi các chai chất lỏng có ga được chuẩn bị kỹ lưỡng và lành lặn khác không phát nổ khi được xử lý cẩn thận.
Trong phán quyết cuối cùng, tòa tuyên Gladys thắng kiện, dù vẫn chưa có bằng chứng đáng kể để chứng minh chính xác nguyên nhân gây ra sự việc. Tuy nhiên, tòa viện dẫn, vì các chai được xử lý cẩn thận thường không phát nổ, nên nếu một trong số này phát nổ, chắc hẳn chai đó bị lỗi theo một cách nào đó, do đó có nghĩa là sơ suất thuộc về Coca-Cola.
Trường hợp này, tòa áp dụng học thuyết res ipsa loquitur, tiếng Latinh, nghĩa là"sự việc tự nó nói lên". Nội dung chính của thuyết này, có thể được tóm tắt là: thương tích hoặc sự kiện gây ra thương tích sẽ không xảy ra trừ khi một cá nhân hoặc tổ chức đã hành động cẩu thả; cả nguyên đơn hoặc bên thứ ba (tài xế vận chuyển) đều không thể gây ra thương tích, do đó, bị đơn, nợ nguyên đơn nghĩa vụ ngăn chặn hình thức sơ suất đó.
Ví dụ, một người đang đi bộ bên dưới phần nhô ra của công trình xây dựng thì một thùng sơn rơi xuống và đập vào đầu họ. Trong trường hợp đó, bên bị thiệt hại có thể viện dẫn res ipsa loquitur để cáo buộc, rằng người cá nhân hoặc tổ chức có quyền kiểm soát thùng sơn đó đã sơ suất. Và kể cả nếu không sơ suất, họ vẫn có nghĩa vụ đảm bảo giữ an toàn thùng khỏi những người đi ngang qua bên dưới địa điểm làm việc. Nghĩa là có thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm, bất kể vô tình hay cố ý.
Mẫu chai thủy tinh của Coca Cola qua một số thời kỳ. Ảnh: Coca Cola
Coca Cola sau đó đã đệ đơn kháng cáo song Tòa án California vẫn giữ nguyên phán quyết. Không rõ số tiền Gladys được Coca Cola bồi thường là bao nhiêu, song vụ kiện ngày nay được công nhận rộng rãi như một trường hợp mang tính bước ngoặt trong luật pháp Mỹ và là tài liệu bắt buộc phải đọc đối với sinh viên năm thứ nhất ở hầu hết các trường luật Hoa Kỳ.
Bởi có một sự thật rằng, Gladys trong quá trình tố tụng đã suýt phải từ bỏ vụ kiện vì không thể chỉ ra Coca Cola sai ở đâu, quy trình sản xuất của họ quá chặt chẽ. Nhưng từ sau vụ kiện của Gladys, nếu có tai nạn trong quá trình sử dụng sản phẩm, khách hàng không có trách nhiệm phải chứng minh nhà sản xuất đã sai ở đâu.
Thay vào đó, tòa án quy định rằng nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm pháp lý tuyệt đối khi một mặt hàng mà họ đưa ra thị trường, nhận thức rõ rằng nó sẽ được sử dụng mà không cần kiểm tra, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi khách hàng sử dụng.
Hải Thư (Theo US Court, Justia, Havard University, Cambridge University)