Các hãng ô tô học cách ký hợp đồng từ nguồn, như Tesla

calendar_today23.07.2023

Các hãng ô tô học cách ký hợp đồng từ nguồn, như Tesla - Ảnh 1.

Các hãng xe bắt đầu ký hợp đồng từ nguồn, tương tự Tesla, thay vì trao trách nhiệm đó cho các nhà cung ứng linh kiện, phụ tùng như trước kia - Ảnh: CNBC

Theo Business Insider, để làm được điều đó, các hãng sẽ phải quên đi truyền thống cũ đã theo họ hàng thập kỷ và sử dụng mô hình Tesla cho thời đại mới.

Truyền thống không còn hiệu quả so với cách Tesla đang làm?

Trước đây, các nhà sản xuất ô tô  mở rộng chuỗi cung ứng bằng cách ký kết hợp đồng với hàng loạt nhà cung cấp các linh kiện phụ tùng riêng lẻ.

Do đó, bộ phận này đến từ Mỹ, phụ tùng khác lại đến từ châu Âu hay châu Á. Trong hàng thập kỷ, cách làm như vậy tạo nên một dòng chảy tương đối thông thuận.

Nhưng khi COVID-19 ập đến, hay thỉnh thoảng có những biến động như thiên tai, mặt trái của cách làm này bộc lộ rõ.

Chỉ cần một nhà sản xuất phụ tùng ô tô, dù nhỏ, gián đoạn sản xuất, thì cũng đồng nghĩa với khả năng dây chuyền sản xuất bị tắc nghẽn trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.

Các hãng ô tô học cách ký hợp đồng từ nguồn, như Tesla - Ảnh 2.

Nếu theo cách làm truyền thống, các hãng chỉ cần ký hợp đồng với các nhà sản xuất pin. Còn các công ty pin lại ký hợp đồng với bên cung ứng vật liệu. Cứ thế xuống đến tận nguồn khai thác. Mô hình từng hoạt động trôi chảy cho đến khi có thảm họa, thiên tai xảy ra - Ảnh: Insider

Khi thời đại xe điện mở ra, những vấn đề này càng trở nên nổi cộm. Dựa vào ưu thế nắm trong tay nguyên liệu thô cần thiết để cung cấp năng lượng cho xe điện, kiểm soát phần lớn việc sản xuất pin… của thế giới, Trung Quốc nhanh chóng trở thành một thế lực lớn trong làng xe.

Những bất cập trên khuyến khích các hãng xe đưa sản xuất về gần nhà hơn. Hay nói cách khác, các hãng muốn tự kiểm soát chuỗi cung ứng, thay vì chỉ ký kết hợp đồng với nhà sản xuất phụ tùng cuối.

Matt Sculnick, giám đốc về vấn đề vận tải của Nomura GreenTech, chỉ ra thực tế này: "Chúng tôi thấy đang có rất nhiều thông báo, thỏa thuận phát triển chung, hợp đồng cung cấp sớm từ các nhà sản xuất ô tô với các nhà cung cấp vật liệu pin, sản xuất pin. Đây là một xu hướng tôi từng không cho rằng có thể xảy ra".

Tin tốt cho xe điện

Cách làm trên được gọi là "mô hình tích hợp dọc", mà Tesla chính là ví dụ nổi tiếng nhất. "Tesla luôn đột phá, đi thẳng đến nguồn, tiếp cận trực tiếp với các mỏ khai thác và đàm phán hợp đồng với các nhà khai mỏ", Tony Lynch, giám đốc điều hành của Alvarez & Marsal, cho biết.

Các hãng ô tô học cách ký hợp đồng từ nguồn, như Tesla - Ảnh 3.

Tesla xuất hiện đã cho thấy các hãng xe cũng nên quan tâm đến cả những đơn vị dưới đáy "kim tự tháp chuỗi cung ứng sản xuất" - Ảnh: Wired

Nhờ mô hình này, Tesla có khả năng cho dây chuyền sản xuất không ngừng. Trong khi đó, General Motors, Ford và những công ty khác phải tranh giành để tham gia.

Mô hình như thế này ban đầu sẽ hơi phức tạp và tốn thời gian. Nhưng về lâu dài, cách làm này sẽ giúp giảm giá xe điện . Chuỗi cung ứng hoạt động không ngừng, sản xuất ngày càng nhiều kéo theo giá bán cuối cùng đến tay người tiêu dùng cũng đi xuống.

Theo Kelley Blue Book, giá xe điện trung bình ở Mỹ vào tháng 4-2023 chỉ còn 55.001 USD. Dù vẫn còn cao hơn mức trung bình của xe xăng cùng kỳ, 48.281 USD, nhưng đã thấp hơn khoảng 10.000 USD USD so với vài tháng trước đó.

Nhiều nguồn cung hơn nói chung, nhưng đặc biệt là ở Hoa Kỳ, kết hợp với khối lượng xe điện nhiều hơn, sẽ khiến điều đó giảm xuống.

THANH LINH

Nguồn: tuoitre.vn