Ngày 9-5, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP (Ban quản lý). Trong các dự án được đưa ra bàn thảo lần này có dự án Trung tâm triển lãm - quy hoạch (TLQH) TP.
Theo các đại biểu dự họp, dự án trên kéo dài, án binh bất động nhiều năm nay, lại nằm án ngữ ngay mặt tiền của TP.HCM là rất xót xa, cho thấy sự lãng phí nguồn lực đầu tư công của TP.
Dự án mặt tiền TP bị lãng phí
“Với dự án Trung tâm TLQH TP, chúng ta phải nhấn thêm bước nữa là làm rõ trách nhiệm. Dự án dự kiến phát sinh hơn 60 tỉ đồng, rất xót xa khi dự án ngay mặt tiền TP.HCM mà như vậy” - đại biểu HĐND TP.HCM Trần Văn Bảy phát biểu.
Theo ông Bảy, báo cáo của các đơn vị chỉ dừng lại ở một số kiến nghị là chưa đủ, cần có cơ quan để làm rõ trách nhiệm và trả lời rõ ràng với cử tri là trách nhiệm của ai trong việc để dự án này chậm tiến độ.
Dự án mà ông Bảy nhắc tới là Trung tâm TLQH TP nằm ở khu đô thị Thủ Thiêm, nhìn hướng về phía sông Sài Gòn, đối diện là trung tâm của TP.
Dự án được khởi công từ năm 2013 trên diện tích rộng 18.000 m2, nằm giữa tuyến đường ven sông Sài Gòn và đại lộ Vòng cung với quy mô là tòa nhà năm tầng, chức năng phục vụ trưng bày, triển lãm quy hoạch kiến trúc của TP; tổ chức sự kiện, nơi giao lưu của giới chuyên môn, người dân, du khách...
Với kiến trúc hai khối đặt nghiêng, chụm vào nhau, khối thép tạo hình tam giác, trung tâm triển lãm được xem là công trình công cộng mang tính biểu tượng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo kế hoạch ban đầu, công trình hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên đến năm 2017, dự án dừng thi công dù đã hoàn thành 80% khối lượng.
“Khi đi ngang qua Trung tâm TLQH thấy như căn nhà bỏ hoang, không giống một công trình đang xây dựng. Từ năm 2017 đến nay vì sao vẫn chưa tổng hợp hồ sơ để xử lý, trách nhiệm như thế nào?” - đại biểu Đỗ Thị Minh Quân, Chánh văn phòng HĐND TP, chất vấn.
Theo bà Quân, để dự án chậm trễ, chúng ta cần xem lại công tác lựa chọn nhà thầu. “Khi giám sát, các đơn vị đều nêu là đã lựa chọn các nhà thầu có năng lực nhưng vướng mắc thì trong đó lại có những hạn chế về nhà thầu, vậy chúng ta đã chọn nhà thầu như thế nào?” - bà Quân đặt câu hỏi.
Dự án Trung tâm triển lãm - quy hoạch TP chậm tiến độ nhiều năm nay. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Cắt hợp đồng, khởi kiện nhà thầu
Nói rõ thêm về công trình này, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Ban quản lý, lý giải: “Công trình đã hoàn thành phần thô từ cuối năm 2017 nhưng đến nay phần hoàn thiện không thi công được do vướng nhà thầu gói thầu XL6 (sản xuất và lắp dựng vách kính, mặt dựng, khung đỡ, vách ngăn, lan can, trần và tấm trang trí kim loại)”.
Về chi phí phát sinh do thời gian kéo dài (dự kiến 60 tỉ đồng), Ban quản lý cho biết các gói thầu là hợp đồng trọn gói, chi phí phát sinh đến nay do nhiều nguyên nhân khách quan như trượt giá, hư hỏng thiết bị do để lâu ngày không sử dụng, chi phí bảo vệ công trường, các chi phí khác để duy trì bộ máy hoạt động của nhà thầu và chi phí quản lý dự án…
Dự án này trước đây do Ban quản lý xây dựng Trung tâm TLQH TP làm chủ đầu tư, được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định 2287 ngày 14-5-2014 và được chuyển giao về Ban quản lý từ tháng 10-2022.
“Vướng mắc lớn nhất của dự án là gói thầu XL6, dù đã tạm ứng 42 tỉ đồng cho nhà thầu này nhưng từ khi tạm ứng hợp đồng đến nay nhà thầu không triển khai thực hiện thi công, dẫn đến các gói thầu khác không thể phối hợp để hoàn thiện công trình” - ông Trường nói.
Sắp tới, Ban quản lý sẽ tổng hợp báo cáo, trình UBND TP chủ trương cắt hợp đồng và khởi kiện nhà thầu này ra tòa vì nhiều năm nay khi được tạm ứng mà không xúc tiến thi công có thể gọi là chiếm dụng vốn.
“Sau khi cắt hợp đồng nhà thầu cũ sẽ đấu thầu lại cho gói thầu XL6 vì xong gói này thì các gói khác mới làm được” - ông Trường phân tích.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, chia sẻ trong tuần qua đã có dịp quan sát Trung tâm TLQH TP. Bà đồng cảm với các cử tri và đề nghị báo cáo làm rõ thêm, đánh giá kỹ hơn về Trung tâm TLQH TP, lý do chậm trễ, nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì và có đề xuất hướng xử lý…
“Công trình vô cùng lãng phí, chúng ta cần đánh giá lại chất lượng công trình khi tiếp tục thực hiện dự án. Ngoài ra cần xem công trình có còn phù hợp làm trung tâm triển lãm không, có cần chuyển mục đích sử dụng khác để đáp ứng nhu cầu hay không” - bà Lệ nói.•
Năm 2023, kế hoạch đầu tư công đã giao cho Ban quản lý 23 dự án với tổng số vốn hơn 3.667 tỉ đồng. Giải ngân đến ngày 31-3 của Ban quản lý đạt hơn 147 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 4,02%.