Kỳ vọng đột phá từ chữ ký số
Chữ ký số tiện dụng và đảm bảo an toàn chính chủ cho người dân khi thực hiện các giao dịch ký kết qua mạng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM vừa bắt đầu cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân trên địa bàn. Dịch vụ chữ ký số được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các giao dịch điện tử cũng như nền kinh tế số của TP.HCM. Việc giảm thời gian, chi phí đứng trước thay đổi mang tính "cách mạng".
Ngồi Hà Nội ký hợp đồng ở TP.HCM
Nhà ba mẹ tại Vũng Tàu nhưng sinh sống và làm việc tại TP.HCM, anh Thế Hùng (TP Thủ Đức) thường xuyên phải đi lại giữa hai nơi.
Cũng chính vì vậy, anh nhiều lần phải đối mặt với những tình huống éo le: đối tác ở TP.HCM cần ký kết giấy tờ gấp trong khi anh đang ở Vũng Tàu, hoặc trong tuần đang nhiều việc tại TP.HCM thì lại cần phải về Vũng Tàu làm thủ tục hành chính.
Khi biết có dịch vụ chữ ký số, anh Hùng đã thử đăng ký và thấy rõ sự hữu dụng tuyệt vời. "Bình thường các đối tác sẽ gửi hợp đồng giấy qua cho tôi ký rồi tôi gửi chuyển phát lại cho họ.
Từ khi có chữ ký số, tôi và đối tác chỉ mất chưa đến 5 phút để ký xong một hợp đồng. Với một vài thủ tục hành chính, tôi có thể ngồi ở TP.HCM khai báo, ký số, gửi qua mạng đến cơ quan chức năng ở Vũng Tàu dễ dàng", anh Hùng khoe.
Tương tự anh Hùng, nhiều người dùng đã đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số đều thấy rõ sự vượt trội cả về thời gian lẫn tiện lợi so với cách ký tay truyền thống.
Viễn cảnh các doanh nhân ngồi ở Hà Nội ký hợp đồng ở TP.HCM không còn là xa vời, giảm rất lớn thời gian và chi phí.
Hơn nữa, trong khi chữ ký tay có thể bị bắt chước, thậm chí bị sao chụp giống hệt nhờ công nghệ thì chữ ký số giúp đảm bảo tính chính chủ khi nó được đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) xác thực, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Đồ họa: N.KH.
Rào cản: người dùng vẫn khiêm tốn
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, lượng người dùng dịch vụ chữ ký số hiện vẫn rất khiêm tốn. Nguyên nhân phần lớn do chưa có nhiều dịch vụ áp dụng chữ ký số, tạo động lực cho người dân tìm hiểu và đăng ký dịch vụ.
Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), tính đến thời điểm này họ mới thực hiện tích hợp chữ ký số vào cổng dịch vụ công của 17 tỉnh, TP trên toàn quốc. Bên cạnh đó, do mức độ sử dụng đến chữ ký trong công việc, giao dịch của nhiều người dân không thường xuyên nên họ cũng "lười" nghĩ đến chữ ký số...
NEAC cho hay tính đến tháng 5-2023, trên toàn quốc có gần 2,1 triệu chứng thư số công cộng đang hoạt động, trong đó gần 1,6 triệu chứng thư số doanh nghiệp, tổ chức nhưng chỉ có 483.675 chứng thư số cá nhân, chiếm tỉ lệ lần lượt là 76,74% và 23,25%.
Chưa đến nửa triệu người dùng chứng thư số (là chứng thư điện tử do các CA cấp, dùng để xác thực người có chữ ký số). Trong khi đó, theo chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu tỉ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50% vào năm 2025.
Nhiều cách thúc đẩy dùng chữ ký số
Để cải thiện, TP.HCM vừa triển khai cung cấp chữ ký số miễn phí cho công dân TP từ tháng 6-2023 đến tháng 6-2024. Trước đó, TP.HCM cũng đã cấp và ứng dụng chữ ký số cho toàn bộ cơ quan nhà nước trên địa bàn TP, với 1.140 đơn vị liên thông.
Theo ông Lâm Đình Thắng, giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, trong kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị TP.HCM thông minh năm 2023, UBND TP chỉ đạo phải đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dưới dạng trực tuyến.
"Để vận hành được dịch vụ công trực tuyến thì việc số hóa và ứng dụng chữ ký số để pháp lý hóa hồ sơ số của người dân, kết quả xử lý thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước là yêu cầu bắt buộc", ông Thắng nói.
Với việc TP triển khai cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân, ông Thắng kỳ vọng "sẽ giúp đưa chữ ký số đến gần với người dân hơn, hồ sơ được số hóa nhiều hơn, thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tốt hơn. Từ đó, giảm thời gian và chi phí cho chính quyền và nhân dân...".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Khơ Din, phó chủ nhiệm kiêm tổng thư ký Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử VN, cho rằng để thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ chữ ký số, trước tiên TP.HCM cần nhanh chóng tích hợp lên cổng các dịch vụ công cho phép người dân ký số thay vì nộp hồ sơ qua mạng nhưng vẫn phải đến ký tay.
"Có chữ ký số nhưng không có ứng dụng để ký thì cũng không thể làm được gì", ông Din nói và không quên cảnh báo: khi sử dụng ứng dụng chữ ký số, tuyệt đối không giao điện thoại, không cung cấp mật khẩu cho người khác. Hãy giữ phương tiện bảo vệ chữ ký số của mình giống như thẻ ngân hàng.
Bà Võ Dương Tú Diễm, giám đốc hãng bảo mật Kaspersky khu vực Việt Nam, Campuchia và Myanmar, nhấn mạnh chữ ký số cũng có thể bị hack hoặc sao chép, là đối tượng của lừa đảo, phần mềm độc hại... Do đó, các tổ chức và doanh nghiệp cần tăng cường tối đa bảo mật.
11.160
Đó là lượng chữ ký số mà TP.HCM đã cấp cho tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.
Nguồn: Sở TT&TT TP.HCM
Chữ ký số là gì?
Theo quy định của pháp luật: "Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng... Hiểu nôm na, chữ ký số chính là chữ ký tay của cá nhân hay con dấu của cơ quan, doanh nghiệp nhưng dùng trên môi trường điện tử, được công ty cung cấp dịch vụ chữ ký số xác thực và được pháp luật thừa nhận.
Từ đầu tháng 4-2023, Bộ TT&TT đã tổ chức cấp miễn phí chữ ký số cho công dân thủ đô Hà Nội nhằm hướng tới mục tiêu đạt 10 triệu chữ ký số cá nhân trong năm 2023. Bên cạnh hai TP lớn nhất Việt Nam, năm địa phương khác cũng đã tiến hành cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân gồm: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái và Bình Dương.
ĐỨC THIỆN
Theo Báo Tuổi trẻ