TP.HCM không thể cắt điện, nước công trình vi phạm trật tự xây dựng
4 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có 110 trường hợp vi phạm xây dựng (57 sai phép và 53 không phép), bình quân 0,92 vụ/ngày - Ảnh: Q.TH.
Thông tin được nêu từ văn bản Sở Xây dựng báo cáo kết quả thực hiện chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
Giảm sâu số vụ vi phạm trật tự xây dựng
Để triển khai chỉ thị 23, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch, trong đó đề ra 7 nhóm giải pháp với 56 nhiệm vụ. Đến nay đã có 54/56 nhiệm vụ đã được thực hiện, 1/56 nhiệm vụ đang thực hiện và 2/56 nhiệm vụ không thể triển khai do vướng quy định pháp luật.
Cụ thể, TP không thể triển khai quy định ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm xây dựng và xử lý các tổ chức, cá nhân tự ý đấu nối, cung cấp dịch vụ điện nước cho công trình vi phạm xây dựng.
Sở Xây dựng lý giải hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật hiện hành không quy định ngừng cung cấp điện, nước khi xử lý vi phạm hành chính. Nên sở đề xuất không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp này vì không có cơ sở pháp lý.
Ngoài ra, báo cáo còn cho biết tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP những năm gần đây tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Địa bàn không phát sinh điểm nóng, phức tạp về vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc trong dư luận.
Minh chứng rõ ở 6 tháng đầu năm 2019 (chưa ban hành chỉ thị này), toàn TP có 1.599 trường hợp vi phạm xây dựng, bình quân 8,5 vụ/ngày.
Từ ngày 15-7-2019 đến ngày 15-4-2023, tức sau 4 năm thực hiện chỉ thị, tổng số trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn chỉ có 2.631. Số vụ vi phạm xây dựng bình quân mỗi ngày đã giảm đáng kể, còn 1,9 vụ/ngày, tỉ lệ giảm hơn 70%.
Không chỉ vậy, tính 4 tháng đầu năm 2023, TP có 110 trường hợp vi phạm xây dựng (57 sai phép và 53 không phép), bình quân 0,92 vụ/ngày.
Vòng luẩn quẩn đề xuất
Thực tế, việc cắt điện, nước công trình xây dựng vi phạm từng được quy định tại nghị định 180 năm 2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng năm 2003.
Tuy nhiên, Luật Xây dựng năm 2014 không quy định biện pháp này, nghị định 139 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng cũng không quy định việc cắt điện, nước của công trình xây dựng là một biện pháp xử lý.
TP.HCM đã ngưng áp dụng biện pháp cắt điện, nước của công trình vi phạm xây dựng từ khi Luật Xây dựng có hiệu lực (ngày 1-1-2015).
Đến năm 2018, Bộ Xây dựng lại tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan chức năng đề xuất cắt điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm để đưa vào dự thảo chỉ thị của Thủ tướng về quản lý trật tự xây dựng.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng chỉ thị của Thủ tướng là văn bản chỉ đưa ra các biện pháp đôn đốc thực hiện các quy định pháp luật. Nội dung cắt điện, nước công trình xây dựng trái phép là một quy định mới chứ không phải là biện pháp đôn đốc thực hiện, không phù hợp với nội dung chỉ thị.
Mãi đến nay, dù lãnh đạo TP cũng nhiều lần đề xuất xem xét áp dụng biện pháp này nhưng vẫn chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng để các sở ngành cũng như địa phương có thể áp dụng.
CẨM NƯƠNG.