CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính về:

1. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính.

3. Áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

4. Quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan có thẩm quyền quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và hành vi đó được quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

3. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

4. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.

Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện.

5. Hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm hành chính bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính. Người đại diện của hộ kinh doanh, chủ hộ của hộ gia đình, người đứng đầu của cộng đồng dân cư chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

6. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 4. Quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước

1. Việc quy định hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước;

b) Đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước;

c) Hành vi vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn.

2. Hành vi vi phạm hành chính được quy định tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước phải tương ứng, phù hợp với tính chất vi phạm của hành vi đó.

Trường hợp một hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước này nhưng liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước khác, để bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện và thống nhất của quy định về xử phạt vi phạm hành chính, thì có thể quy định dẫn chiếu hành vi vi phạm đã được quy định trong nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực khác, đồng thời phân định thẩm quyền xử phạt cho một số chức danh có thẩm quyền xử phạt của lĩnh vực này.

Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính có các yếu tố, đặc điểm riêng liên quan đến lĩnh vực, địa điểm vi phạm, hậu quả của hành vi vi phạm và các yếu tố, điều kiện khách quan làm thay đổi tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, thì nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính không điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực quản lý nhà nước đó có thể quy định chế tài xử phạt cao hơn hoặc thấp hơn đối với hành vi vi phạm đó.

3. Hình thức xử phạt, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính và phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:

a) Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo;

b) Mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

c) Mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt.

4. Quy định khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải cụ thể, khoảng cách giữa mức phạt tối thiểu và tối đa của khung tiền phạt không quá lớn. Các khung tiền phạt trong một điều phải được sắp xếp theo thứ tự mức phạt từ thấp đến cao.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính và phải căn cứ vào các yêu cầu sau đây:

a) Phải gây ra hậu quả hoặc có khả năng thực tế gây ra hậu quả;

b) Đáp ứng yêu cầu khôi phục lại trật tự quản lý hành chính nhà nước do vi phạm hành chính gây ra;

c) Phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể thực hiện được trong thực tiễn và phải bảo đảm tính khả thi.

6. Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, thì phải quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động đó.

Điều 5. Quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước

1. Việc quy định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở có đầy đủ các căn cứ sau đây:

a) Trực tiếp vi phạm các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

b) Vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước.

2. Không quy định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn trong các trường hợp có quy định pháp luật về việc thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

3. Việc quy định đình chỉ một phần hoạt động có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép phải trên cơ sở có đầy đủ các căn cứ sau đây:

a) Trực tiếp vi phạm các hoạt động được ghi trong giấy phép;

b) Vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.

4. Không quy định đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép trong trường hợp có quy định pháp luật về việc thu hồi giấy phép.

5. Việc quy định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép phải trên cơ sở căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước hoặc hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội mà hành vi đó có khả năng thực tế gây ra.

6. Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành, thì phải quy định tịch thu. Đối với các trường hợp khác, việc quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở có một trong các căn cứ sau đây:

a) Vi phạm được thực hiện do lỗi cố ý hoặc vi phạm có tính chất nghiêm trọng;

b) Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này, thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.

7. Việc quy định hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hình thức xử phạt chính hoặc bổ sung đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào các Điều 21, 25 và 26 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này và tính chất đặc thù của từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

8. Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính phải được quy định thành khung thời gian cụ thể, khoảng cách giữa thời gian tước, thời gian đình chỉ tối thiểu và tối đa không quá lớn.

Điều 6. Quy định về thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

1. Thẩm quyền phạt tiền của mỗi chức danh phải được quy định cụ thể trong nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Đối với nghị định có nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, thì thẩm quyền này phải quy định cụ thể đối với từng lĩnh vực.

Trường hợp thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 và Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính được tính theo tỷ lệ phần trăm mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì thẩm quyền phạt tiền phải được tính thành mức tiền cụ thể để quy định trong nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước.

2. Đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính có hành vi vi phạm hành chính mà mức phạt được xác định theo số lần, giá trị tang vật vi phạm, hàng hóa vi phạm, thì thẩm quyền xử phạt của các chức danh quy định tại Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 và Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính được xác định theo tỷ lệ phần trăm mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đó và phải được tính thành mức tiền cụ thể để quy định trong nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước.

3. Trường hợp nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính có quy định nhiều chức danh của các lực lượng có thẩm quyền xử phạt thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau tham gia xử phạt, thì phải quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các lực lượng đó đối với từng điều khoản cụ thể.

4. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.

Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

5. Đối với hành vi vi phạm hành chính vừa bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền, vừa bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất, thì nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước phải quy định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi đó cho chức danh có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định tại điểm đ khoản 5 và khoản 7 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chương III

ÁP DỤNG QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 7. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính

1. Việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được nghị định để áp dụng theo khoản 1 Điều này, thì việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện như sau:

a) Nếu hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để xử phạt;

b) Nếu hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt.

Điều 8. Nguyên tắc xác định hành vi vi phạm hành chính, áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả và sự kiện bất khả kháng

1. Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính;

b) Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.

2. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng khi nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả này đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

3. Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được thực hiện xuất phát trực tiếp từ điều kiện, hoàn cảnh khách quan do dịch bệnh hoặc phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, để xác định việc có hay không xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải xác minh, thu thập đầy đủ thông tin, số liệu, giấy tờ hoặc tài liệu có liên quan đến vi phạm hành chính để làm rõ các tình tiết của vụ việc cụ thể. Nếu xác định dịch bệnh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi vi phạm hành chính; đối tượng thực hiện hành vi vi phạm không thể lường trước được hoàn cảnh dịch bệnh và không thể khắc phục được, mặc dù đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép để khắc phục, thì có thể áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính để không xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 9. Áp dụng hình thức phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

1. Việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:

a) Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;

b) Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

2. Hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn được áp dụng như sau:

a) Cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần, trong đó có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn đối với nhiều loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề khác nhau, thì áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn riêng biệt đối với từng hành vi vi phạm.

Trường hợp có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn đối với cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng mức tối đa của khung thời hạn tước quyền sử dụng của hành vi có quy định thời hạn tước dài nhất;

b) Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần mà bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trong đó có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng mức tối đa của khung thời hạn tước quyền sử dụng đối với hành vi có thời hạn tước dài nhất;

c) Trường hợp thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng của giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng thời hạn tước là thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.

3. Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề không phụ thuộc vào cơ quan, người đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề mà chỉ thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Cá nhân, tổ chức vi phạm phải giao nộp giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo yêu cầu thu giữ của người có thẩm quyền xử phạt, trừ trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 7 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc giao nộp giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải lập thành biên bản và giao 01 bản cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, trừ trường hợp đã lập biên bản tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì biên bản tạm giữ tiếp tục có giá trị cho đến hết thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

5. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó biết.

6. Hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn được áp dụng như sau:

a) Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần, trong đó có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, thì áp dụng mức tối đa của khung thời hạn đình chỉ của hành vi có quy định thời hạn đình chỉ dài nhất;

b) Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần mà bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trong đó có từ hai hành vi vi phạm trở lên bị áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, thì áp dụng mức tối đa của khung thời hạn đình chỉ của hành vi có quy định thời hạn đình chỉ dài nhất.

7. Việc xác định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:

a) Khi xác định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;

b) Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung thời gian tước, đình chỉ được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung thời gian tước, đình chỉ; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ.

8. Người có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 65 và khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc đó.

Đối với trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành, thì việc xác định người có thẩm quyền tịch thu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này.

9. Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc đó.

10. Người có thẩm quyền tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm độc hại theo quy định tại khoản 5 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc đó.

Điều 10. Giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính

1. Quyết định giao quyền quy định tại Điều 54, khoản 2 Điều 87 và khoản 2 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.

Quyết định giao quyền phải có số, ghi rõ ngày, tháng, năm, trích yếu, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên.

Phần căn cứ pháp lý ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của quyết định giao quyền.

2. Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

- Tải về tài liệu PDF

- In tài liệu
Đang cập nhật

Viết đánh giá

     Nội dung không đầy đủ   Thông tin không chính xác   Khác 
Lưu ý: không hỗ trợ HTML!