QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT VÙNG HẠN CHẾ VÀ VÙNG PHẢI ĐĂNG KÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 háng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019; Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Căn cứ Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất; Căn cứ Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước; Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 2444/BTNMT-TNN ngày 01 tháng 10 năm 2021; Biên bản họp Hội đồng thẩm định Dự án “Khoanh định công bố vùng cấm, vùng hạn chế và vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh An Giang ngày 25 tháng 11 năm 2021 và theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Phê duyệt Danh mục các vùng hạn chế và vùng phải đăng ký, khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh An Giang, như sau: 1. Vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (Chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo): a) Vùng hạn chế 1: - Khu vực bãi rác/bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung tại các xã, huyện (23 bãi rác) với tổng diện tích khoanh định là 146,79 ha (1,47km2). - Khu vực liền kề bãi rác/bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung và các nghĩa trang được khoanh định với bán kính từ 200 m đến 500 m tại các xã, huyện với tổng diện tích khoanh định là 47,24 km2. - Khu vực nghĩa trang tập trung tại các xã, huyện (81 nghĩa trang) với tổng diện tích khoanh định là 107,95 ha (1,08km2). - Khu vực liền kề với biên mặn (có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan (TDS) từ 1.500 mg/l trở lên), cách biên mặn về phía phần nước nhạt với khoảng cách từ 50 đến 1.000m. Diện tích khu vực liền kề với biên mặn, như sau: (Mục 2 Phụ lục I kèm theo): + Tầng Holocen (qh) là: 13,2 km2. Diện tích này phân bố tập trung ở các huyện: Phú Tân và Chợ Mới. + Tầng Pleistocen trên (qp3) là: 45,3 km2. Diện tích này phân bố ở các huyện: Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn, thị xã Tân Châu và thành phố Châu Đốc. + Tầng Pleistocen giữa trên (qp2-3) là: 33,6 km2. Diện tích này phân bố ở các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn, Tịnh Biên và Tri Tôn. + Tầng Pleistocen dưới (qp1) là: 3,33 km2. Diện tích này phân bố ở các huyện: Thoại Sơn, Chợ Mới, Châu Thành và thành phố Long Xuyên. + Tầng Pliocen giữa (n22) là: 13,65 km2. Diện tích này phân bố ở các huyện: Chợ Mới, huyện Châu Thành và huyện Thoại Sơn. + Tầng Miocen trên (n23) là: 264,50 km2. Diện tích này phân bố ở huyện Chợ Mới, 01 phần huyện Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên. b) Vùng hạn chế 3: Là vùng đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục (24 h/ngày). Phạm vi phân bố chủ yếu tại các xã, huyện với tổng diện tích là 1.151,63 km2. c) Vùng hạn chế hỗn hợp: - Vùng hạn chế hỗn hợp bị chồng lấn giữa vùng hạn chế 1 và vùng hạn chế 3 với tổng diện tích là: 73,60 km2. - Vùng hạn chế hỗn hợp bị chồng lấn giữa các vùng nằm liền kề các biên mặn của các tầng với nhau là: 3,70 km2. 2. Vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất (Chi tiết tại Phụ lục 02 kèm theo): - Tầng Holocen (qh) thuộc địa bàn tỉnh An Giang trừ diện tích đã khoanh vùng theo khoản 1.1, Mục 1 nêu trên và khu vực bị nhiễm Asen. - Tầng Pleistocen giữa trên (qp2-3) là: 310,8 km2. Diện tích này phân bố tập trung ở các huyện: Châu Thành, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, Chợ Mới và thành phố Long Xuyên. - Tầng Pleistocen dưới (qp1) là: 58,8 km2. Diện tích này phân bố tập trung ở các huyện: Châu Thành, Tri Tôn, Thoại Sơn, Chợ Mới và thành phố Long Xuyên. - Tầng Pleistocen trên (qp3), Pleistocen giữa - trên (qp2-3) và tầng Pliocen giữa (n22) nằm chồng lấn nhau là: 12,4 km2. Diện tích này phân bố tập trung ở các huyện: Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới và thành phố Long Xuyên. - Tầng Pliocen giữa (n22), Pliocen dưới (n21) và tầng Miocen trên (n13) nằm chồng lấn nhau là: 178,8 km2. Diện tích này phân bố tập trung ở các huyện: Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới và thành phố Long Xuyên. - Tầng chứa nước bị nhiễm Asen (gồm: tầng Holocen (qh); Pleistocen trên (qp3); Pleistocen giữa - trên (qp2-3); Pleistocen dưới (qp1) là: 253,0 km2. Diện tích này phân bố tập trung ở các huyện: An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên và thị xã Tân Châu. 3. Đối với các trường hợp khai thác với lưu lượng > 10 m3/ngày nằm trong vùng được phép khai thác, phải thực hiện các trình tự xin phép khai thác nước dưới đất theo Thông tư 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 05 năm 2014 của của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước: Diện tích vùng này là toàn bộ diện tích nằm ngoài vùng hạn chế (ở tất cả các tầng chứa nước, kể cả phần có tầng nước bị nhiễm mặn) theo Phụ lục 02 đính kèm. Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các nội dung sau: 1. Sở Tài nguyên và Môi trường: a) Tổ chức công bố Danh mục vùng hạn chế và vùng phải đăng ký, khai thác, sử dụng nước dưới đất và bản đồ kèm theo trên phương tiện thông tin đại chúng. b) Thực hiện theo Điều 13 Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ: lập Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế và vùng phải đăng ký, khai thác nước dưới đất và phân kỳ theo từng giai đoạn. c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Danh mục các vùng hạn chế và vùng phải đăng ký, khai thác, sử dụng nước dưới đất theo địa bàn quản lý. d) Tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới quan trắc tại các vùng hạn chế và vùng phải đăng ký, khai thác, sử dụng nước dưới đất nhằm theo dõi và phát hiện kịp thời những vùng có nguy cơ hạ thấp mực nước, ô nhiễm chất lượng nước và làm cơ sở thực hiện điều chỉnh vùng hạn chế và vùng phải đăng ký, khai thác, sử dụng nước dưới đất. đ) Tăng cường thanh, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong vùng hạn chế và vùng phải đăng ký, khai thác, sử dụng nước dưới đất theo quy định. Trường hợp, cố tình vi phạm thì xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. e) Hằng năm, tổng hợp số liệu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Cục Quản lý tài nguyên nước về tình hình cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất và đăng ký khai thác nước dưới đất; định kỳ 05 (năm) một lần hoặc trong trường hợp cần thiết, thực hiện rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc điều chỉnh Danh mục các vùng hạn chế và vùng phải đăng ký, khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh phù hợp thực tiễn. 2. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố: a) Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân theo địa bàn quản lý thực hiện nghiêm và kịp thời thực hiện việc trám lấp các giếng khai thác không đúng quy định; các giếng hư hỏng, không còn sử dụng theo quy định. b) Tổng hợp tình hình khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn quản lý; thường xuyên rà soát, thanh, kiểm tra để đề xuất cập nhật, bổ sung, điều chỉnh Danh mục các vùng hạn chế và vùng phải đăng ký, khai thác, sử dụng nước dưới đất theo địa bàn quản lý phù hợp với thực tiễn, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
PHỤ LỤC 1 DANH MỤC VÙNG HẠN CHẾ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT 1. Vùng hạn chế 1: a) Đối với vùng trong bãi rác, nghĩa trang và vùng nằm trong phạm vi khoảng cách nhỏ hơn một (01) km tới bãi rác, nghĩa trang:
|