CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2020

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định, chi tiết một số điều của Luật Giáo dục, bao gồm: Thời gian nghỉ hè của nhà giáo; phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Giáo sư danh dự; chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; học bổng khuyến khích học tập; học bổng chính sách và miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập; trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập; trường mầm non, lớp mầm non độc lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non).

2. Trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông).

3. Trường trung cấp, trường cao đẳng (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp).

4. Đại học, trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục đại học).

5. Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường chuyên, trường năng khiếu (sau đây gọi chung là trường chuyên biệt).

6. Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

7. Các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Thời gian nghỉ hè của nhà giáo

1. Thời gian nghỉ hè của nhà giáo:

a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;

b) Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;

c) Thời gian nghỉ hè hàng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

d) Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trường trung cấp và trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.

2. Ngoài thời gian nghỉ hè theo quy định tại khoản 1 Điều này, giáo viên, giảng viên được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động.

3. Căn cứ kế hoạch thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thời điểm nghỉ hè của giáo viên ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt trên địa bàn.

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng quyết định thời điểm nghỉ hè của giáo viên, giảng viên phù hợp với kế hoạch đào tạo và điều kiện cụ thể của từng trường.

4. Việc nghỉ hè của nhà giáo trong cơ sở giáo dục thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.

Chương II

PHONG TẶNG DANH HIỆU TIẾN SĨ DANH DỰ, GIÁO SƯ DANH DỰ

Điều 4. Phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự

1. Đối tượng được phong tặng:

a) Nhà giáo, nhà khoa học;

b) Nhà hoạt động chính trị, xã hội.

2. Điều kiện được phong tặng:

a) Là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam, được một cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam đồng ý phong tặng đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam, có uy tín quốc tế, có nhiều thành tích, công lao đóng góp cho tình hữu nghị, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và được một cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam đồng ý phong tặng đối với đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Quy trình phong tặng:

a) Cơ sở giáo dục đại học tổ chức họp hội đồng khoa học và đào tạo để xem xét việc phong tặng bảo đảm đúng đối tượng, điều kiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

b) Căn cứ quyết nghị của hội đồng khoa học và đào tạo, hiệu trưởng, giám đốc cơ sở giáo dục đại học trình hội đồng trường xem xét, thông qua. Trên cơ sở nghị quyết của hội đồng trường, hiệu trưởng, giám đốc ra quyết định phong tặng và tổ chức lễ trao tặng danh hiệu;

c) Trong trường hợp cần thiết, hiệu trưởng, giám đốc cơ sở giáo dục đại học có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công an hoặc Cơ quan đại diện của nước có người được đề nghị phong tặng có ý kiến việc không vi phạm pháp luật của Việt Nam, pháp luật của nước sở tại và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

4. Cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sĩ thiết kế, in phôi, cấp phát và quản lý bằng Tiến sĩ danh dự. Bằng Tiến sĩ danh dự phải ghi rõ danh hiệu “Tiến sĩ danh dự”, không ghi “học vị Tiến sĩ” và không ghi ngành đào tạo; công khai thông tin của người được phong tặng trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và gửi quyết định phong tặng về Bộ Giáo dục và Đào tạo sau mỗi lần phong tặng.

Điều 5. Phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự

1. Đối tượng được phong tặng:

a) Nhà giáo, nhà khoa học;

b) Nhà hoạt động chính trị, xã hội.

2. Điều kiện được phong tặng:

a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này;

b) Gó bằng tiến sĩ.

3. Quy trình phong tặng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

4. Quyết định phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự phải ghi rõ danh hiệu “Giáo sư danh dự”. Cơ sở giáo dục đại học công khai thông tin của người được phong tặng trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và gửi quyết định phong tặng về Bộ Giáo dục và Đào tạo sau mỗi lần phong tặng.

Chương III

CHUYỂN ĐỔI NHÀ TRẺ, TRƯỜNG MẪU GIÁO, TRƯỜNG MẦM NON, CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TƯ THỤC SANG NHÀ TRẺ, TRƯỜNG MẪU GIÁO, TRƯỜNG MẦM NON, CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TƯ THỤC HOẠT ĐỘNG KHÔNG VÌ LỢI NHUẬN

Điều 6. Chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

1. Hồ sơ chuyển đổi bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải chuyển đổi; tôn chỉ, mục đích hoạt động không vì lợi nhuận; phần vốn góp, phần tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia của nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục (nếu có);

b) Văn bản cam kết của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục chuyển sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, bảo đảm thực hiện hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục;

c) Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động; dự thảo quy chế tài chính nội bộ của nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

d) Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu báo cáo kết quả kiểm toán; thỏa thuận giải quyết phần vốn góp cho nhà đầu tư không đồng ý chuyển đổi sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận (nếu có); các giấy tờ, tài liệu về đất đai, tài sản, tài chính, tổ chức và nhân sự của nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục chuyển đổi sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

đ) Báo cáo đánh giá tác động của việc chuyển đổi về nhân sự, tài chính, tài sản và phương án xử lý;

e) Quyết định thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục, quyết định công nhận hội đồng trường đương nhiệm, quyết định công nhận hiệu trưởng đương nhiệm của nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục và các tài liệu liên quan khác (nếu có).

2. Quy trình xử lý hồ sơ chuyển đổi như sau:

a) Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến kèm theo bản mềm đến Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động; Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với cơ sở giáo dục mầm non tư thục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị;

b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Phòng Giáo dục và Đào tạo đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động; Sở Giáo dục và Đào tạo đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền quyết định chuyển đổi.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ và quyết định chuyển đổi đối với cơ sở giáo dục mầm non tư thục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị.

Quyết định chuyển đổi được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan quyết định chuyển đổi.

c) Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ, Ủy ban nhân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản thông báo cho nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục và nêu rõ lý do.

Điều 7. Chuyển đổi cơ sở giáo dục phổ thông tư thục sang cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

1. Hồ sơ chuyển đổi bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị chuyển đổi cơ sở giáo dục phổ thông tư thục sang cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải chuyển đổi; tôn chỉ, mục đích hoạt động không vì lợi nhuận; phân vốn góp, phần tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia của nhà trường (nếu có);

b) Văn bản cam kết của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với cơ sở giáo dục phổ thông tư thục chuyển sang cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, bảo đảm thực hiện hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục phổ thông tư thục;

c) Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động; dự thảo quy chế tài chính nội bộ của cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

d) Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu báo cáo kết quả kiểm toán; thỏa thuận giải quyết phần vốn góp cho nhà đầu tư không đồng ý chuyển đổi sang cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận (nếu có); các giấy tờ, tài liệu về đất đai, tài sản, tài chính, tổ chức và nhân sự của cơ sở giáo dục phổ thông tư thục chuyển đổi sang cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

đ) Báo cáo đánh giá tác động của việc chuyển đổi về nhân sự, tài chính, tài sản và phương án xử lý;

e) Quyết định thành lập cơ sở giáo dục phổ thông tư thục, quyết định công nhận hội đồng trường đương nhiệm, quyết định công nhận hiệu trưởng đương nhiệm của cơ sở giáo dục phổ thông tư thục và các tài liệu liên quan khác (nếu có).

2. Quy trình chuyển đổi:

a) Cơ sở giáo dục phổ thông tư thục gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến kèm theo bản mềm đến Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với trường tiểu học tư thục, trường trung học cơ sở tư thục và trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường trung học phổ thông tư thục, trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động và cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động; Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị;

b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Phòng Giáo dục và Đào tạo đối với trường tiểu học tư thục, trường trung học cơ sở tư thục và trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động; Sở Giáo dục và Đào tạo đối với trường trung học phổ thông tư thục, trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động và cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền quyết định chuyển đổi.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ và quyết định chuyển đổi đối với cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị.

Quyết định chuyển đổi được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan quyết định chuyển đổi.

c) Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ, Ủy ban nhân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản thông báo cho cơ sở giáo dục phổ thông tư thục và nêu rõ lý do.

Chương IV

HỌC BỔNG KHUYẾN KHÍCH HỌC TẬP, HỌC BỔNG CHÍNH SÁCH VÀ MIỄN, GIẢM GIÁ VÉ DỊCH VỤ CÔNG CỘNG CHO HỌC SINH, SINH VIÊN

Điều 8. Học bổng khuyến khích học tập

1. Đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập:

a) Học sinh khối trung học phổ thông chuyên trong cơ sở giáo dục đại học, học sinh trường chuyên có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi trong kỳ xét, cấp học bổng có điểm môn chuyên của học kỳ xét cấp từ 8,5 trở lên hoặc đạt một trong các giải từ khuyến khích trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế của năm đó;

b) Học sinh các trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao có hạnh kiểm từ loại khá trở lên, học lực đạt từ trung bình trong kỳ xét, cấp học bổng và đạt giải hoặc huy chương trong cuộc thi cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế của năm học đó;

c) Học sinh, sinh viên đang học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên, không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên trong kỳ xét cấp học bổng.

2. Mức học bổng đối với đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này:

a) Đối với trường chuyên, trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao: Mức học bổng cấp cho một học sinh một tháng tối thiểu bằng ba lần mức học phí hiện hành của trường trung học phổ thông chuyên tại địa phương;

b) Đối với khối trung học phổ thông chuyên trong cơ sở giáo dục đại học: Mức học bổng cấp cho một học sinh do hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học quy định nhưng không thấp hơn mức trần học phí hiện hành mà học sinh đó phải đóng tại trường;

c) Đối với những trường không thu học phí: Mức học bổng tối thiểu bằng ba lần mức trần học phí của trường trung học phổ thông tại địa phương.

3. Mức học bổng đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này:

a) Học bổng loại khá: Mức học bổng bằng hoặc cao hơn mức trần học phí hiện hành của ngành, chuyên ngành, nghề mà học sinh, sinh viên đó phải đóng tại trường do hiệu trưởng hoặc giám đốc quy định (sau đây gọi chung là hiệu trưởng) đối với học sinh, sinh viên có điểm trung bình chung học tập và điểm rèn luyện đều đạt loại khá trở lên. Đối với các trường tư thục mức học bổng tối thiểu do hiệu trưởng quy định.

Đối với những ngành nghề đào tạo không thu học phí thì áp dụng theo đơn giá được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cho nhóm ngành đào tạo của trường;

b) Học bổng loại giỏi: Mức học bổng cao hơn loại khá do hiệu trưởng quy định đối với học sinh, sinh viên có điểm trung bình chung học tập đạt loại giỏi trở lên và điểm rèn luyện đạt loại tốt trở lên;

c) Học bổng loại xuất sắc: Mức học bổng cao hơn loại giỏi do hiệu trưởng quy định đối với học sinh, sinh viên có điểm trung bình chung học tập và điểm rèn luyện đều đạt loại xuất sắc;

d) Điểm trung bình chung học tập và điểm rèn luyện quy định tại các điểm a, b và c khoản này được xác định theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trong đó điểm trung bình chung học tập để xét học bổng theo quy định tại Nghị định này được tính từ điểm thi, kiểm tra hết môn học lần thứ nhất.

4. Nguồn học bổng:

a) Đối với trường chuyên, trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao: Học bổng khuyến khích học tập được bố trí trong dự toán chi ngân sách địa phương để cấp cho tối thiểu 30% số học sinh chuyên của trường. Đối với khối trung học phổ thông chuyên trong cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí từ nguồn thu hợp pháp của cơ sở giáo dục đại học và từ nguồn thu hợp pháp của trường trung học phổ thông chuyên;

b) Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: Học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu 8% nguồn thu học phí đối với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.

5. Trình tự xét, cấp học bổng đối với đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này:

a) Đối với trường chuyên và trường năng khiếu: Hiệu trưởng xác định số suất học bổng cho từng lớp học và căn cứ vào học bổng của năm để cấp cho học sinh theo thứ tự ưu tiên từ giải quốc tế, khu vực quốc tế, quốc gia đến điểm môn chuyên (đối với các trường chuyên) hoặc kết quả học tập (đối với các trường năng khiếu);

b) Đối với khối trung học phổ thông chuyên trong cơ sở giáo dục đại học: Hiệu trưởng xác định số suất học bổng và mức học bổng cho từng khối, lớp học căn cứ vào học bổng của năm để xét, cấp cho học sinh theo thứ tự ưu tiên từ giải quốc tế, khu vực quốc tế, quốc gia đến điểm môn chuyên;

c) Học bổng được cấp theo từng học kỳ và cấp 09 tháng trong năm học.

Ngoài học bổng khuyến khích học tập theo quy định tại Nghị định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể có các chế độ, chính sách khác đối với học sinh trường chuyên, trường năng khiếu thuộc địa phương hoặc do địa phương quản lý.

6. Trình tự xét, cấp học bổng đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều này:

a) Hiệu trưởng căn cứ vào nguồn học bổng khuyến khích học tập xác định số lượng suất học bổng cho từng khóa học, ngành học. Trong trường hợp số lượng học sinh, sinh viên thuộc diện được xét, cấp học bổng nhiều hơn số suất học bổng thì việc xét, cấp học bổng do hiệu trưởng quyết định;

b) Hiệu trưởng căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên thực hiện xét, cấp học bổng theo thứ tự từ loại xuất sắc trở xuống đến hết số suất học bổng đã được xác định;

c) Học bổng được cấp theo từng học kỳ và cấp 10 tháng trong năm học. Đối với học sinh, sinh viên đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ thì được xét, cấp học bổng theo số lượng mô đun hoặc tín chỉ, trong đó 15 mô đun hoặc tín chỉ được tính tương đương với một học kỳ.

Học sinh, sinh viên thuộc diện hưởng học bổng chính sách, trợ cấp xã hội, chính sách ưu đãi thì vẫn được xét, cấp học bổng khuyến khích học tập theo quy định tại Nghị định này.

Điều 9. Học bổng chính sách

1. Đối tượng: Sinh viên theo chế độ cử tuyển; học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.

2. Mức hưởng:

a) Đối với sinh viên theo chế độ cử tuyển; học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật: Mức học bổng bằng 80% mức lương cơ sở/tháng;

b) Đối với học viên là thương binh thuộc hộ nghèo học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật: Mức học bổng bằng 100% mức lương cơ sở/tháng.

3. Nguyên tắc hưởng:

a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được hưởng chế độ học bổng chính sách một lần trong cả quá trình học;

b) Trường hợp học sinh, sinh viên, học viên thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách cùng lúc thì chỉ được hưởng một chính sách cao nhất hoặc học đồng thời nhiều ngành, nhiều cơ sở giáo dục thì chỉ được hưởng chính sách ở một ngành tại một cơ sở giáo dục;

c) Học sinh, sinh viên, học viên là đối tượng được hưởng chính sách theo quy định tại Điều này nhưng thuộc đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội, học bổng khuyến khích học tập thì vẫn được hưởng các chính sách này theo quy định;

d) Học sinh, sinh viên, học viên bị kỷ luật buộc thôi học hoặc bị đình chỉ học tập thì không được hưởng các chính sách quy định tại Điều này kể từ thời điểm quyết định kỷ luật có hiệu lực hoặc trong thời gian bị đình chỉ;

đ) Học bổng chính sách được cấp đủ 12 tháng/năm, số năm học được hưởng chính sách không được vượt quá số năm hoặc số học kỳ tối đa để hoàn thành chương trình đào tạo tương ứng với các ngành học theo quy định. Riêng đối với năm học cuối được hưởng theo số tháng thực học.

Đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học nếu bị lưu ban thì năm học lưu ban đầu tiên vẫn được hưởng học bổng chính sách theo quy định.

e) Đối với các chương trình đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ thì học bổng chính sách được cấp theo thời gian đào tạo quy đổi nhưng không vượt quá thời gian đào tạo của ngành, nghề và trình độ đào tạo tương đương đối với chương trình đào tạo theo niên chế, được tính bằng công thức dưới đây:

Học bổng chính sách theo mô đun, tín chỉ trong khoảng thời gian xác định để tính học bổng chính sách

=

Tổng số học bổng chính sách của chương trình đào tạo theo niên chế

x

Số mô đun, tín chỉ học trong khoảng thời gian xác định để tính học bổng chính sách

Tổng số mô đun, tín chỉ

Trong đó:

Tổng số học bổng chính sách của chương trình đào tạo theo niên chế

=

Mức học bổng chính sách 01 tháng của 01 học sinh, sinh viên của chương trình đào tạo theo niên chế

x

Số tháng học của cả khóa học của chương trình đào tạo theo niên chế

g) Không áp dụng học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học văn bằng hai, đào tạo theo địa chỉ, hình thức đào tạo từ xa, liên kết đào tạo và vừa làm vừa học.

4. Hồ sơ hưởng chính sách:

a) Đối với sinh viên theo chế độ cử tuyển: Bản cam kết của sinh viên, có xác nhận của nhà trường nơi đang theo học (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Đối với học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú: Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy khai sinh; giấy báo trúng tuyển;

c) Đối với học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật: Đơn đề nghị (Mẫu số 02Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này); bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy khai sinh; bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy xác nhận khuyết tật do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp đối với học viên là người khuyết tật; trường hợp học viên chưa có giấy xác nhận khuyết tật thì bổ sung bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định

- Tải về tài liệu PDF

- In tài liệu
Đang cập nhật

Viết đánh giá

     Nội dung không đầy đủ   Thông tin không chính xác   Khác 
Lưu ý: không hỗ trợ HTML!