VỀ TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM QUỐC HỘI Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 203/2025/QH15; Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14 và Luật số 62/2025/QH15; Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15; QUYẾT NGHỊ: Nghị quyết này quy định về việc thành lập, hoạt động, quản lý, giám sát và các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam (sau đây gọi là Trung tâm tài chính quốc tế). Nghị quyết này áp dụng đối với các thành viên Trung tâm tài chính quốc tế, các nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế được thành lập theo Nghị quyết này. Trong Nghị quyết này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Trung tâm tài chính quốc tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định do Chính phủ thành lập đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng, tập trung hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ, được áp dụng cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết này. 2. Thành viên Trung tâm tài chính quốc tế (sau đây gọi là Thành viên) là chủ thể được ghi nhận là Thành viên của Trung tâm tài chính quốc tế theo hình thức đăng ký hoặc được công nhận Thành viên hoặc được cấp giấy phép thành lập, hoạt động theo quy định tại Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bao gồm: a) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm; b) Quỹ đầu tư và quản lý tài sản; c) Tổ chức hạ tầng thị trường; d) Tổ chức công nghệ tài chính và tài sản số; đ) Tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ; e) Tổ chức phi tài chính; g) Các chủ thể khác theo quy định của Chính phủ. 3. Dịch vụ tài chính là các hoạt động và dịch vụ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc huy động, phân bổ và quản lý nguồn lực tài chính, do các tổ chức tài chính hoặc chủ thể khác cung cấp theo quy định tại Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. 4. Dịch vụ hỗ trợ là các hoạt động và các dịch vụ phi tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ, bổ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hoặc nâng cao hiệu quả cho các hoạt động tài chính và hoạt động liên quan khác tại Trung tâm tài chính quốc tế theo quy định tại Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. 5. Cơ quan điều hành Trung tâm tài chính quốc tế (sau đây gọi là Cơ quan điều hành) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, điều hành Trung tâm tài chính quốc tế, ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền; tổ chức thực thi các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Chính phủ. 6. Cơ quan giám sát Trung tâm tài chính quốc tế (sau đây gọi là Cơ quan giám sát) là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng giám sát hoạt động tại Trung tâm tài chính quốc tế, có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý vi phạm trong Trung tâm tài chính quốc tế, bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị quyết này, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và thông lệ quốc tế. 7. Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc Trung tâm tài chính quốc tế (sau đây gọi là Trung tâm trọng tài quốc tế) là tổ chức trọng tài độc lập thuộc Trung tâm tài chính quốc tế cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại cho các bên liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Trung tâm tài chính quốc tế theo quy tắc và quy định do Trung tâm trọng tài quốc tế ban hành. 8. Nhà đầu tư chiến lược là Thành viên đáp ứng tiêu chí về ngành nghề kinh doanh, năng lực tài chính, uy tín và có cam kết đầu tư lâu dài tại Trung tâm tài chính quốc tế. 9. Chính sách tài chính thử nghiệm có kiểm soát là cơ chế cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh, công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính tại Trung tâm tài chính quốc tế trong phạm vi và thời gian xác định, có sự giám sát đặc biệt của Cơ quan điều hành. 10. Các sản phẩm, dịch vụ cung cấp tại Trung tâm tài chính quốc tế gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; phái sinh tài chính; quản lý quỹ; bảo hiểm, tái bảo hiểm; ngân hàng và ngoại hối; tài chính xanh; tín chỉ các-bon; công nghệ tài chính, tài sản số và các sản phẩm, dịch vụ khác do Chính phủ quy định. Điều 4. Mục tiêu phát triển Trung tâm tài chính quốc tế 1. Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng được xây dựng trên cơ sở thống nhất về hoạt động, quản lý, giám sát; có định hướng phát triển sản phẩm riêng biệt, phát huy thế mạnh của từng thành phố; bảo đảm sự công bằng, tương hỗ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu gắn với động lực tăng trưởng kinh tế. 2. Thúc đẩy tài chính bền vững, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh và huy động nguồn lực cho các dự án chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi xanh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 3. Trung tâm tài chính quốc tế vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và trung tâm tài chính lớn trên thế giới, tạo điều kiện liên kết các sàn giao dịch trong nước với quốc tế, thúc đẩy dòng vốn đầu tư và phát triển dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ. 4. Thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia tài chính trong nước và nước ngoài; tạo môi trường làm việc và sinh sống thuận lợi cho chuyên gia, doanh nhân quốc tế tại Trung tâm tài chính quốc tế. 5. Việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế phải bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Điều 5. Nguyên tắc thành lập, hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế 1. Chủ thể đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù theo quy định tại Nghị quyết này. 2. Cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết này áp dụng trong phạm vi Trung tâm tài chính quốc tế được quy định tại Nghị định của Chính phủ về thành lập Trung tâm tài chính quốc tế theo quy định tại Điều 8 Nghị quyết này. 3. Nguyên tắc hoạt động của các Thành viên: a) Hoạt động hiệu quả, minh bạch, liêm chính; b) Chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ tài chính, dịch vụ hỗ trợ; c) Áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các Thành viên. 4. Hoạt động quản lý nhà nước trong Trung tâm tài chính quốc tế phải bảo đảm sự độc lập của Trung tâm tài chính quốc tế và các Thành viên. 5. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của Thành viên. 6. Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kết cấu hạ tầng vào Trung tâm tài chính quốc tế nhằm: a) Tạo môi trường hấp dẫn cho đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ tài chính để thúc đẩy thu hút đầu tư và tự do di chuyển nguồn vốn quốc tế giữa Trung tâm tài chính quốc tế và thế giới; b) Phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm, hoạt động ngân hàng, công nghệ tài chính, tài sản số, hàng hóa, thương mại điện tử tại Việt Nam và hội nhập với thị trường quốc tế; c) Thu hút, phát triển đổi mới sáng tạo, dịch vụ tài chính hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam; phát triển dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ theo thông lệ quốc tế; d) Thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ tài chính và dịch vụ chuyên môn có liên quan theo tiêu chuẩn quốc tế. 7. Cơ quan điều hành và Cơ quan giám sát được tổ chức tinh gọn, có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân theo quy định của Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, phù hợp thông lệ quốc tế, điều kiện Việt Nam. Điều 6. Áp dụng pháp luật tại Trung tâm tài chính quốc tế 1. Hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Trung tâm tài chính quốc tế được điều chỉnh bởi: a) Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; b) Pháp luật hiện hành của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp các văn bản quy định tại điểm a khoản này không quy định. 2. Lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài trong giao dịch đầu tư, kinh doanh tại Trung tâm tài chính quốc tế: a) Đối với giao dịch có ít nhất một bên tham gia là cá nhân, tổ chức nước ngoài, các bên trong giao dịch được thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đối với giao dịch đó. Pháp luật nước ngoài không được áp dụng trong trường hợp hậu quả của việc áp dụng trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với giao dịch đó được áp dụng; b) Đối với các giao dịch liên quan đến quyền sở hữu, quyền khác đối với bất động sản, thuê bất động sản hoặc sử dụng bất động sản làm tài sản bảo đảm, pháp luật của nước nơi có bất động sản sẽ được áp dụng. 3. Nguyên tắc áp dụng pháp luật: a) Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này với các luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì thực hiện theo quy định tại Nghị quyết này. Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung của Nghị quyết này được áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề; b) Trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hơn hoặc thuận lợi hơn đối với Thành viên so với quy định tại Nghị quyết này thì Thành viên được áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi hơn hoặc thuận lợi hơn tại các luật, nghị quyết được ban hành sau; c) Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị quyết này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó. 4. Quy chế hoạt động do Cơ quan điều hành ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị quyết này được ưu tiên áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Quy chế hoạt động đó. 5. Nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia và ngăn chặn các yếu tố có thể đe dọa an ninh quốc gia, các văn bản quy phạm pháp luật về Trung tâm tài chính quốc tế có thể đưa ra các biện pháp hạn chế đối với Thành viên. 6. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ được ban hành Nghị định xử lý các vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp, phiên họp gần nhất. Chính phủ ban hành Nghị định phải bảo đảm tuân thủ quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích người dân, doanh nghiệp, bảo đảm điều kiện thực thi và chịu trách nhiệm về các quy định ban hành. Điều 7. Ngôn ngữ áp dụng tại Trung tâm tài chính quốc tế 1. Ngôn ngữ chính thức trong quá trình giao dịch, hoạt động tại Trung tâm tài chính quốc tế là tiếng Anh hoặc tiếng Anh kèm theo bản dịch tiếng Việt. 2. Các quy định, quy chế trong Trung tâm tài chính quốc tế được ban hành bằng tiếng Anh và tiếng Việt. 3. Tài liệu thống kê, tài chính, kỹ thuật và các tài liệu khác được lưu trữ tại Trung tâm tài chính quốc tế bằng tiếng Anh hoặc tiếng Anh kèm theo bản dịch tiếng Việt. 4. Thủ tục hành chính, giao dịch giữa các Thành viên, giao dịch giữa Thành viên với tổ chức, cá nhân nước ngoài và giải quyết tranh chấp được thực hiện bằng tiếng Anh hoặc tiếng Anh kèm theo bản dịch tiếng Việt. THÀNH LẬP, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ VẬN HÀNH TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ Điều 8. Thành lập Trung tâm tài chính quốc tế 1. Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập Trung tâm tài chính quốc tế. 2. Việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế bao gồm các nội dung sau đây: a) Tên, mục tiêu và định hướng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế; lộ trình và kế hoạch phát triển ở từng thành phố; b) Vị trí, địa giới hành chính, diện tích Trung tâm tài chính quốc tế; c) Cơ cấu tổ chức Trung tâm tài chính quốc tế; d) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 9 của Nghị quyết này; đ) Danh mục ngành, nghề, sản phẩm, dịch vụ ưu tiên phát triển của Trung tâm tài chính quốc tế; e) Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Trung tâm tài chính quốc tế thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ; g) Các nội dung khác (nếu có). Điều 9. Cơ quan, tổ chức thuộc Trung tâm tài chính quốc tế 1. Các cơ quan, tổ chức thuộc Trung tâm tài chính quốc tế bao gồm: a) Cơ quan điều hành có chức năng quản lý, điều hành trực tiếp mọi hoạt động tại Trung tâm tài chính quốc tế; b) Cơ quan giám sát có chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa và xử lý vi phạm trong hoạt động tài chính tại Trung tâm tài chính quốc tế; c) Cơ quan giải quyết tranh chấp tại Trung tâm tài chính quốc tế: c1) Tòa án chuyên biệt được thành lập theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. c2) Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc Trung tâm tài chính quốc tế, được thành lập theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại, có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận của các bên tranh chấp, trừ các tranh chấp có liên quan đến việc thực hiện quyền lực của Nhà nước. 2. Các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này hoạt động độc lập trong việc thực hiện quyền hạn được giao theo quy định tại Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. 3. Cơ quan điều hành được ban hành Quy chế hoạt động hoặc văn bản tương đương khác để quy định cụ thể về tổ chức và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế. Các quy định này phải phù hợp với Hiến pháp, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, tuân thủ thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm thống nhất với các nguyên tắc, chính sách cơ bản quy định tại Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết này, có giá trị áp dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Nghị quyết này. 4. Cơ quan điều hành, Cơ quan giám sát có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế. THÀNH VIÊN TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ Điều 10. Đăng ký, công nhận và chấm dứt tư cách thành viên 1. Các tổ chức, doanh nghiệp được đăng ký làm Thành viên của Trung tâm tài chính quốc tế khi đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực tài chính, uy tín và có lĩnh vực hoạt động phù hợp với định hướng phát triển của Trung tâm tài chính quốc tế theo quy định tại Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 4, 5 và 6 Điều này. 2. Hiện diện tại Trung tâm tài chính quốc tế của các chủ thể sau đây có quyền đề nghị được công nhận làm Thành viên mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký: a) Tổ chức tài chính, quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp thuộc danh sách Fortune Global 500 do Tạp chí Fortune công bố tại thời điểm đăng ký, hoặc công ty mẹ trực tiếp của các tổ chức, quỹ, doanh nghiệp này, trừ các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; b) Các tổ chức tài chính thuộc nhóm mười doanh nghiệp hàng đầu trong nước về vốn điều lệ trong từng lĩnh vực tương ứng, trừ lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. 3. Nhà đầu tư phải thành lập pháp nhân là Thành viên tại Trung tâm tài chính quốc tế theo quy định tại Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này. 4. Nhà đầu tư là ngân hàng nước ngoài, ngân hàng thương mại trong nước phải thành lập hiện diện tại Trung tâm tài chính quốc tế theo hình thức quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị quyết này. 5. Nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán phải thành lập hiện diện dưới hình thức là công ty trách nhiệm hữu hạn theo Giấy phép thành lập và hoạt động do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp. Các tổ chức này chỉ được cung cấp dịch vụ tại Trung tâm tài chính quốc tế và nước ngoài. Việc cấp phép thành lập, phạm vi hoạt động, nội dung hoạt động và các vấn đề liên quan khác của tổ chức nêu trên thực hiện theo quy định của Chính phủ. 6. Nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phải thành lập hiện diện dưới hình thức là công ty trách nhiệm hữu hạn theo Giấy phép thành lập và hoạt động do Bộ Tài chính cấp. Việc cấp phép thành lập, phạm vi hoạt động, nội dung hoạt động và các vấn đề liên quan khác của tổ chức nêu trên thực hiện theo quy định của Chính phủ. 7. Thành viên được cấp mã số định danh riêng và được ghi nhận vào Sổ đăng ký Thành viên của Trung tâm tài chính quốc tế. Mã số định danh có giá trị tương đương với mã số doanh nghiệp theo Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp. 8. Hệ thống đăng ký và công nhận Thành viên do Cơ quan điều hành xây dựng, quản lý và vận hành, bao gồm Cổng thông tin đăng ký thành viên và Cơ sở dữ liệu về thành viên, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan có liên quan để đơn giản hoá thủ tục hành chính trong Trung tâm tài chính quốc tế. Điều 11. Quyền của Thành viên và nhà đầu tư nước ngoài 1. Quyền của Thành viên: a) Được thành lập công ty quản lý vốn (công ty holding) để huy động vốn từ nước ngoài và quản lý đầu tư, trừ trường hợp Thành viên là ngân hàng thương mại; b) Được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam, người không cư trú mà không phải thực hiện thủ tục cấp phép với cơ quan quản lý nhà nước nhưng phải thực hiện chế độ báo cáo, khai báo thông tin theo quy định của Chính phủ; c) Khoản nợ của Thành viên với tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam không tính vào nợ nước ngoài của quốc gia trong điều hành, giám sát các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài; d) Được quyền tự do tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh với tổ chức, cá nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam, người không cư trú hoặc với Thành viên khác theo giấy phép hoặc đăng ký được cấp cho Thành viên đó theo quy định tại Nghị quyết này và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; đ) Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng khi được cấp phép thành lập mới tại Trung tâm tài chính quốc tế thì Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký Thành viên; e) Thành viên được lựa chọn áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán (IAS/IFRS) do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành hoặc các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (Chuẩn mực kế toán hoặc Chuẩn mực báo cáo tài chính) của các quốc gia: Ô-xtrây-li-a, Bra-xin, Ca-na-đa, các quốc gia thành viên liên minh châu Âu, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Xinh-ga-po, Thụy Sỹ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam. Trường hợp các chủ thể đã lựa chọn áp dụng Chuẩn mực kế toán khác với Chuẩn mực kế toán Việt Nam thì không phải lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam; g) Các quyền khác theo quy định tại Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. 2. Nhà đầu tư nước ngoài: a) Được sở hữu toàn bộ hoặc một phần cổ phần hoặc phần vốn góp của Thành viên; b) Được phép thành lập tổ chức kinh tế trong Trung tâm tài chính quốc tế mà không cần phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án trong Trung tâm tài chính quốc tế theo quy định của pháp luật về đầu tư. Sau khi được thành lập, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; c) Không phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của pháp luật về đầu tư khi thực hiện hoạt động góp vốn, mua cổ phần hoặc mua phần vốn góp của Thành viên; chỉ thực hiện thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, trừ lĩnh vực ngân hàng. Điều 12. Nghĩa vụ của Thành viên 1. Tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Thành viên và các tổ chức, cá nhân hoạt động tại Trung tâm tài chính quốc tế có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. 2. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế; lập, nộp và công khai báo cáo tài chính; kiểm toán báo cáo tài chính và công bố thông tin theo thông lệ quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các chuẩn mực quốc tế về quản trị tài chính. 3. Hoạt động đầu tư từ Trung tâm tài chính quốc tế vào phần còn lại của Việt Nam; từ phần còn lại của Việt Nam vào Trung tâm tài chính quốc tế phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật liên quan khác. Chính phủ quy định cơ chế đặc thù đối với thủ tục, điều kiện đầu tư từ Trung tâm tài chính quốc tế vào phần còn lại của Việt Nam và từ phần còn lại của Việt Nam vào Trung tâm tài chính quốc tế; cơ chế đặc thù đối với điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh. 4. Tuân thủ quy chế của Sở giao dịch hàng hóa được thành lập tại Trung tâm tài chính quốc tế về quy trình phát hành, niêm yết, giao dịch, mua lại, chuyển nhượng các công cụ tài chính khác niêm yết trên Sở giao dịch hàng hóa. Điều lệ và các quy tắc hoạt động của Sở giao dịch hàng hoá tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. 5. Bảo đảm tiêu chuẩn thành viên trong suốt quá trình hoạt động. Trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn thành viên thì phải thực hiện thủ tục chấm dứt tư cách thành viên. 6. Tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật dữ liệu được công bố, thừa nhận áp dụng tại Việt Nam. Thành viên phải xây dựng hệ thống an toàn thông tin, mã hoá dữ liệu tài chính; chịu trách nhiệm báo cáo sự cố lộ thông tin cho Cơ quan điều hành trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự cố. 7. Các nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. CÁC SÀN GIAO DỊCH VÀ NỀN TẢNG GIAO DỊCH TẠI TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ Điều 13. Thành lập các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch Các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch được thành lập và hoạt động trong Trung tâm tài chính quốc tế trong các lĩnh vực sau: 1. Giao dịch hàng hóa và phái sinh hàng hóa; 2. Giao dịch tín chỉ các-bon; 3. Giao dịch sản phẩm văn hóa, nghệ thuật; 4. Giao dịch kim loại quý hiếm; 5. Giao dịch sản phẩm tài chính xanh; 6. Các giao dịch và loại hình nền tảng giao dịch mới khác theo nhu cầu phát triển. Điều 14. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch 1. Các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch tại Trung tâm tài chính quốc tế được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, minh bạch; khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. 2. Việc tổ chức và hoạt động của các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về giao dịch, thanh toán, công bố thông tin và quản trị rủi ro. 3. Các tổ chức thành lập sàn giao dịch, nền tảng giao dịch có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về niêm yết, giao dịch, thanh toán, quản lý tài sản và thành viên phù hợp với đặc điểm của từng loại hình giao dịch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 4. Thành viên đáp ứng điều kiện tham gia sàn giao dịch, nền tảng giao dịch được cung cấp sản phẩm, dịch vụ và giao dịch theo quy định của sàn giao dịch, nền tảng giao dịch. Điều 15. Cơ chế quản lý, giám sát, chính sách ưu đãi đối với các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch Các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch được thành lập theo quy định của Nghị quyết này và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên các sàn giao dịch, nền tảng giao dịch này được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan. CÁC CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ÁP DỤNG TRONG TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ 1. Việc sử dụng ngoại tệ của Thành viên thực hiện theo quy định sau: a) Việc thanh toán, chuyển tiền, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá đối với các hoạt động và dịch vụ giữa các Thành viên với nhau được sử dụng ngoại tệ theo quy định tại Nghị quyết này và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; b) Việc thanh toán, chuyển tiền, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá đối với các hoạt động và dịch vụ giữa Thành viên với tổ chức, |
||||