BỔ SUNG DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023 VÀ PHÊ CHUẨN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023 QUỐC HỘI Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 203/2025/QH15; Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14 và Luật số 56/2024/QH15; Căn cứ Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 1077/NQ-UBTVQH15 ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023; phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023; Sau khi xem xét Báo cáo số 417/BC-CP ngày 12 tháng 5 năm 2025 của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023, Báo cáo số 41/BC-KTNN ngày 13 tháng 5 năm 2025 của Kiểm toán nhà nước về kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023, Báo cáo thẩm tra số 378/BC-UBKTTC15 ngày 16 tháng 5 năm 2025 của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023, Báo cáo tiếp thu, giải trình số 1356/BC-UBTVQH15 ngày 26 tháng 6 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; QUYẾT NGHỊ: Điều 1. Bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 Bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 số tăng thu ngân sách nhà nước năm 2023 chưa được bổ sung tại Nghị quyết số 1077/NQ-UBTVQH15 ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023; phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023 là 16.655 tỷ đồng, bao gồm: tăng thu ngân sách trung ương là 12.974 tỷ đồng; tăng thu ngân sách địa phương là 3.681 tỷ đồng. Điều 2. Lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chính sách tài khóa có hiệu quả, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được kết quả khá toàn diện, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn kế hoạch đã đề ra nhưng vẫn là điểm sáng so với các nước trong khu vực và trên thế giới; lạm phát được kiểm soát; quản lý thu, chi ngân sách nhà nước được tăng cường, thu ngân sách nhà nước vượt 9,3% so với dự toán; chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển; tỷ trọng nợ công, nợ Chính phủ so với GDP giảm và trong giới hạn cho phép; quốc phòng, an ninh được giữ vững; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, khó khăn... được quan tâm thực hiện tốt. Bên cạnh kết quả tích cực đạt được, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực hiện các quy định pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội về lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. Lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước chưa sát thực tế; một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ, giao dự toán chậm, kéo dài, lập, xét duyệt, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời gian quy định; giải ngân chi đầu tư phát triển, chi chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; quy mô chi chuyển nguồn tiếp tục tăng. Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu thu, chi ngân sách nhà nước sau thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước chưa được khắc phục. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm đầy đủ, kịp thời. Điều 3. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 1. Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 3.023.547 tỷ đồng (ba triệu, hai mươi ba nghìn, năm trăm bốn mươi bảy tỷ đồng), bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2022 chuyển sang năm 2023, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2022, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 2. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 3.176.154 tỷ đồng (ba triệu, một trăm bảy mươi sáu nghìn, một trăm năm mươi tư tỷ đồng), bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2023 sang năm 2024. 3. Bội chi ngân sách nhà nước là 291.564 tỷ đồng (hai trăm chín mươi mốt nghìn, năm trăm sáu mươi tư tỷ đồng), bằng 2,83% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. 4. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 482.625 tỷ đồng (bốn trăm tám mươi hai nghìn, sáu trăm hai mươi lăm tỷ đồng). (Kèm theo các Phụ lục I, II, III, IV, V, VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII) 1. Công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo đúng quy định của pháp luật. 2. Chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi ngân sách nhà nước: a) Tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước, khắc phục các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm. Trong năm 2025, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chưa hoàn thành tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và các đề xuất, kiến nghị nêu trong Báo cáo tiếp thu, giải trình số 1356/BC-UBTVQH15 ngày 26 tháng 6 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra số 378/BC-UBKTTC15 ngày 16 tháng 5 năm 2025 của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Báo cáo số 41/BC-KTNN ngày 13 tháng 5 năm 2025 của Kiểm toán nhà nước về kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023. Làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm điểm tập thể, cá nhân thuộc Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước có vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước và nêu tại Báo cáo số 41/BC-KTNN; b) Tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lập, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Nâng cao chất lượng lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước bảo đảm sát đúng yêu cầu và khả năng thực hiện để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước. Quan tâm, chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư, lập, phân bổ vốn, tổ chức, triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn vay ODA; công tác thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán các chương trình, dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; c) Quản lý, sử dụng chặt chẽ số tăng thu ngân sách nhà nước gắn với điều hành và xây dựng kế hoạch huy động vốn vay bù đắp bội chi và trả nợ gốc của ngân sách nhà nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật; d) Quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm đúng quy định. Tiếp tục rà soát, kịp thời hủy bỏ, thu hồi triệt để về ngân sách nhà nước các khoản chuyển nguồn không đúng quy định, không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời gian giải ngân theo quy định; thu hồi toàn bộ các khoản ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương năm 2024 và năm 2023 trở về trước quản lý, sử dụng không đúng quy định hoặc hết thời gian giải ngân để giảm bội chi ngân sách trung ương. Không chuyển nguồn sang năm 2025 các khoản chi ngân sách nhà nước, chi ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương nhưng quản lý, sử dụng không đúng quy định, đã hủy dự toán, không có nhu cầu sử dụng hoặc hết thời gian giải ngân, phải thu hồi về ngân sách trung ương. Báo cáo Quốc hội chi tiết số chi chuyển nguồn năm 2024 sang năm 2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và của cấp có thẩm quyền cho phép; nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2024; đ) Quản lý chặt chẽ việc tạm ứng chi ngân sách nhà nước. Trong năm 2025, tiếp tục xử lý, thu hồi dứt điểm số tạm ứng quá thời hạn quy định. Làm rõ các trường hợp không có khả năng thu hồi số kinh phí tạm ứng quá thời hạn quy định. Thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, nghị quyết của Quốc hội trong quản lý, thu hồi số tạm ứng ngân sách nhà nước; e) Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô. Quản lý chặt chẽ việc huy động vốn vay bù đắp bội chi và trả nợ gốc của ngân sách nhà nước sát đúng khả năng thu, chi ngân sách nhà nước năm 2025 bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Tiếp tục quản lý việc sử dụng ngân quỹ nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và pháp luật về ngân quỹ nhà nước, bố trí nguồn để hoàn trả các khoản vay ngân quỹ gia hạn nhiều năm; g) Khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 và năm 2022 trở về trước. Trong năm 2025, tiếp tục rà soát, xử lý, thu hồi triệt để về ngân sách nhà nước các khoản thu, chi, chuyển nguồn ngân sách nhà nước không đúng quy định theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2023 và năm 2022 trở về trước đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước nhưng chưa xử lý; h) Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước trong lập, xét duyệt, thẩm định, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước. Tiếp tục chấn chỉnh việc theo dõi, tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước sau thời gian chỉnh lý quyết toán phản ánh không đầy đủ, chính xác kết quả thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước hằng năm; i) Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách nhà nước. Báo cáo Quốc hội việc xử lý số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách nhà nước tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2023, số nợ phát sinh và dồn tích tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2024 và ngày 31 tháng 12 năm 2025; k) Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. 3. Yêu cầu cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chưa điều chỉnh đầy đủ số liệu quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước tại Báo cáo số 41/BC-KTNN ngày 13 tháng 5 năm 2025 khẩn trương thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. 4. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án phân bổ, sử dụng số tăng thu ngân sách nhà nước nêu tại Điều 1 của Nghị quyết này bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện các vi phạm. Yêu cầu Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm trong việc không kịp thời báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cấp có thẩm quyền phê chuẩn bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 số tăng thu ngân sách nhà nước và phương án phân bổ, sử dụng số tăng thu ngân sách nhà nước năm 2023 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 132/2024/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. 5. Chủ trì phối hợp với Kiểm toán nhà nước: a) Tổ chức xử lý, điều chỉnh quyết toán ngân sách nhà nước của cơ quan trung ương và các địa phương nêu tại khoản 3 Điều này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Kiểm toán nhà nước; b) Tiếp tục rà soát, tổng hợp đầy đủ thông tin, số liệu và chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế xử lý chung đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác. Báo cáo Quốc hội đề xuất sửa đổi các luật có liên quan và các giải pháp xử lý các vấn đề không thuộc thẩm quyền để xử lý các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước không còn khả năng thực hiện. 6. Báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện các điểm a, d, đ, e, g, i khoản 2, khoản 3, khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều này khi trình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024. Điều 5. Giao Kiểm toán nhà nước 1. Tiếp tục đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi ngân sách nhà nước khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. 2. Tiếp tục kiểm toán các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước khi thực hiện kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm tại các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các đơn vị quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Tiếp tục kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán liên quan đến các khoản hủy dự toán chi, không còn nhu cầu sử dụng, quá thời gian giải ngân theo quy định phải hoàn trả ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương năm 2024 và năm 2023 trở về trước để kịp thời xử lý, thu hồi các khoản chuyển nguồn không đúng quy định. 3. Tiếp tục thực hiện công khai kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán và kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định. Công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. 4. Tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước để làm căn cứ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm. Xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước cần nêu rõ các khoản không đủ điều kiện quyết toán ngân sách nhà nước làm cơ sở cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm. 5. Phối hợp với Chính phủ: a) Tổ chức xử lý, điều chỉnh quyết toán ngân sách nhà nước của cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố nêu tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Kiểm toán nhà nước; b) Rà soát, tổng hợp thông tin, số liệu và đề xuất sửa đổi các luật có liên quan và các giải pháp xử lý các vấn đề không thuộc thẩm quyền để xử lý các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác nêu tại điểm b khoản 5 Điều 4 của Nghị quyết này. 6. Báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này khi trình Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024. Điều 6. Giao Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố 1. Thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Kiểm toán nhà nước về sử dụng kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước của Kiểm toán nhà nước trong xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương bảo đảm chính xác và đúng thời gian quy định. Sau thời điểm phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm, trường hợp Kiểm toán nhà nước ban hành các kết luận, kiến nghị liên quan đến quyết toán ngân sách địa phương, yêu cầu Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh quyết toán ngân sách địa phương theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trước thời gian Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 2. Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố nêu tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết này khẩn trương xem xét, điều chỉnh quyết toán ngân sách địa phương trên cơ sở kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và báo cáo Chính phủ, Kiểm toán nhà nước kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Quốc hội khi trình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 27 tháng 6 năm 2025.
|
||||||
Đang cập nhật |