Ngày 21.6, Quốc hội (QH) thảo luận về luật Đất đai sửa đổi sau khi ghi nhận, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Theo đại biểu (ĐB) Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường của QH, Nghị quyết 18 T.Ư Đảng khóa XIII yêu cầu nghiên cứu chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch. Chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất, từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao. Tuy nhiên, đất nông nghiệp được mua gom, đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, đất ở, đất thương mại, dịch vụ có giá cao gấp cả chục lần so với đất nông nghiệp.
Ngày 21.6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về dự án luật Đất đai (sửa đổi)
TTXVN
"Vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công xã hội. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, người dân đã hy sinh đóng góp, giao quyền sử dụng đất, tài sản của mình cho Nhà nước, cho nhà đầu tư để xây dựng, phát triển hạ tầng, đô thị, đóng góp vào sự phát triển chung thì phải được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển đô thị", ông Khải nêu và cho rằng luật Đất đai sửa đổi lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát.
"Nhà nước sẽ đứng ra đấu giá đất theo đúng với quy hoạch. Đất này được gọi là đất sạch, đất đã được bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng. Việc này sẽ đảm bảo tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước triệt để."
Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh
ĐB Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) thì cho rằng luật Đất đai 2013 chưa quy định rõ trường hợp thu hồi đất vì mục tiêu quốc phòng, an ninh, phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Điều này dẫn tới nhiều trường hợp lạm dụng nhà nước thu hồi đất, nhưng dự án không hoàn toàn để phát triển KT-XH mà vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp, gây bức xúc cho người dân, phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Ông Trí đề xuất cần quy định rõ việc thu hồi đất phải đảm bảo tính thật cần thiết và không vì mục tiêu lợi nhuận. Với các dự án vừa vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng cũng vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, cần phân định rõ dự án nào do nhà nước tự thỏa thuận, nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất.
"Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, người dân đã hy sinh đóng góp, giao quyền sử dụng đất, tài sản của mình cho Nhà nước, cho nhà đầu tư để xây dựng, phát triển hạ tầng, đô thị, đóng góp vào sự phát triển chung thì phải được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển đô thị."
ĐB Trần Văn Khải, Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường của QH
Trong khi đó, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng đề nghị vấn đề thu hồi đất phục vụ phát triển KT-XH vì mục đích quốc gia, công cộng "cần hết sức minh bạch và sòng phẳng với dân". Cần tách bạch thu hồi đất hoàn toàn vì mục đích quốc gia, công cộng và thu hồi đất cho mục đích thương mại đơn thuần lợi nhuận. Trường hợp vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nhà nước thu hồi và bồi thường hỗ trợ theo các quy tắc đã được dự thảo xác định; đồng thời có thêm chính sách khuyến khích người dân tham gia.
Với trường hợp thu hồi đất vì mục đích thương mại, đơn thuần lợi nhuận, ông Tám đề xuất cần quy định theo hướng thỏa thuận như tinh thần Nghị quyết 18. Cụ thể, cần quy định theo hướng người dân được góp vốn bằng đất hoặc khi định giá đất, người có đất là một bên trong quy trình định giá. Trường hợp không thỏa thuận được, người bị thu hồi đất các bên có thể yêu cầu cơ quan định giá độc lập. "Nếu không thỏa thuận được nữa thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết, tránh trường hợp giá nào cũng không chịu", ông Tám nêu.
Ngược lại, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng bất kể dự án nào Nhà nước đã phê duyệt thì đều đủ điều kiện là dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng và Nhà nước cần thu hồi đất cho dự án. Theo ông Cường, không phải cứ dự án tư nhân đầu tư thì không phải phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. "Đất đai là do Nhà nước quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng chứ không quy hoạch vì lợi ích cá nhân. Do đó, bất cứ quy hoạch nào thực hiện theo quy hoạch của Nhà nước đều là dự án thực hiện phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tư nhân cũng thế, của ai cũng thế", ông Cường phân tích.
Cạnh đó, theo ông Cường, nếu như Nhà nước thu hồi và để người dân tham gia vào quá trình xây dựng phương án bồi thường, tái định cư tạo sự đồng thuận của người dân thì sẽ đạt được các hiệu quả về KT-XH tốt hơn. Nếu cứ để người dân với doanh nghiệp tự thỏa thuận thì rất nhiều yêu cầu về đảm bảo hài hòa lợi ích hay tái định cư phải có cuộc sống bằng, tốt hơn sẽ không thực hiện được…